“Nhắm mắt” nín thở Chờ chồng

May mắn lành lặn trở về sau cuộc chiến, nhớ lời Bác dặn trong Di chúc, chúng tôi luôn mong muốn kiếm tìm, tri ân đồng đội đã hy sinh xương máu để đất nước có ngày hôm nay.
800px-nghia-trang-liet-sy-hai-duong-tren-duong-chuong-duong-thanh-pho-hai-duong-tinh-hai-duong-1658740526.jpg
Ảnh minh họa

Mấy chục năm qua, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 58, Sư đoàn 308 đã đi khắp mọi miền đất nước để thực hiện công việc ý nghĩa này. Quá trình đó, chúng tôi lại biết thêm nhiều câu chuyện xúc động... Hôm ấy, chúng tôi đến Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) không phải để sắm đồ gốm sứ, mà thăm vợ của một liệt sĩ thuộc Trung đoàn 58: Liệt sĩ Nguyễn Khắc Tơ. Sự xót thương, chờ đợi mỏi mòn đã làm đôi mắt chị sụp xuống, vĩnh viễn không còn nhìn được nữa. Các bệnh viện đều hết cách điều trị.

Bước vào nhà, chúng tôi vội giấu cuốn lịch năm mới của Sư đoàn Quân Tiên Phong đi chỗ khác, không cho chị biết. Mắt chị không còn nhìn được nữa thì biếu lịch, dù có đẹp đến mấy cũng là một thứ quà vô duyên. Trên bốn bức tường không treo bất cứ tranh ảnh nào, chị chỉ treo duy nhất tấm lịch nhỏ năm 1972, trong đó có đánh dấu ngày anh hy sinh. Trên bàn thờ anh, bát hương to hơn so với kích thước bàn thờ. Đó là bát hương tự tay chị làm cho anh. Bát hương to để hằng ngày chị sờ tìm, thắp hương cho anh dễ hơn.

Chị ở cùng con cháu, sống bằng tiền trợ cấp vợ liệt sĩ mỗi tháng hơn một triệu đồng. Con cháu thương mẹ, thương bà, đã cố gắng tạo một không gian thật thông thoáng, giản dị, trang nhã nhưng vẫn không nguôi cảm giác trống trải, luôn gợi nhớ người đã khuất. Chị ngồi bên những người đồng đội của chồng, khép nép, thu mình, không để chạm vào ai. Chúng tôi hiểu đó là sự ý tứ, bẽn lẽn như thời con gái mới về nhà chồng, thứ phản xạ đàn bà từ nửa cuối thế kỷ trước. Chị cười, run run tròng mắt:

- Các anh về... đông không…?

- Không đông đâu chị. Chúng tôi đại diện cho trung đoàn cũ của anh Tơ, chỉ có 5 người thôi.

- Cậu không hiểu ý chị hỏi rồi! - Một người lên tiếng cải chính - Chị ạ, hy sinh cũng nhiều, mà sống trở về cũng nhiều.

Hình như chị hỏi câu ấy là vì chưa chấp nhận một sự thật: Sống trở về đông thế mà lại không có chồng mình! Nhìn chị động đậy khóe mắt, chúng tôi se lòng, hình dung dáng chị 50 năm trước. Chẳng lẽ người đàn bà 70 tuổi trước mắt chúng tôi đây chính là cô gái mới cưới mấy tháng đã bí mật giấu nhà chồng, đạp xe hàng chục cây số tìm chồng, trước khi xe đơn vị chúng tôi lăn bánh?

Ngày ấy, Trung đội trưởng Nguyễn Khắc Tơ, Tiểu đoàn 14 của chúng tôi từ chối, nhường suất nghỉ phép “tranh thủ” cho một anh lính sinh viên, trai tơ, chưa vợ. Nhưng anh không “tranh thủ” thì chị tranh thủ. Nghe phong thanh sư đoàn chúng tôi đang hội quân, thành lập một trung đoàn mới, Trung đoàn Hỏa lực 58 cho Chiến dịch Quảng Trị, chị nhớ lại những chuyện anh kể mà đoán ra “tọa độ” của anh. Chị đạp xe về phía Hà Đông, nơi lúc đó là “thủ đô của lính”.

Chị đi theo dự cảm, đi bằng giác quan của tình yêu và nỗi khát khao của người vợ trẻ. Cầu được ước thấy, chị đã tìm ra anh trong tiếng hò kéo pháo và tiếng xe ô tô khởi động lên đường. Giời thương anh chị, đã cho anh chị một góc tam quan chùa Trầm hay một vạt ruộng hoang nào đó làm giường cưới. Điều đó không rõ. Chỉ biết giời thương, đã ban cho anh chị một mầm sống. Nhưng vì chuyến đi bí mật của chị mà cái mầm sống ấy bị nhà chồng nghi kỵ bao năm...

Chúng tôi ra Nghĩa trang Liệt sĩ Bát Tràng thắp hương viếng anh. Con trai anh (năm nay đã gần 50 tuổi rồi, giống bố như lột) dẫn chúng tôi đi. Cậu rất hãnh diện chào hỏi, khoe với hàng xóm dọc đường: “Các bác ở đơn vị bố cháu về thăm mẹ cháu và ra viếng bố cháu đây!”. Không nói ra, nhưng khi thắp hương, con trai anh và chúng tôi đều biết phía dưới lòng mộ không có hài cốt nào cả. Sau bao lần tìm kiếm vô vọng, con trai anh đành đem về một vốc cát sông Thạch Hãn, Quảng Trị và nói dối để mẹ yên lòng là đã tìm được hài cốt của cha, đưa cha về Nghĩa trang Liệt sĩ Bát Tràng. Và cậu cũng đành gác lại ước nguyện đi tìm cha khi nghe được câu chuyện chúng tôi kể lại...

40-1658740687.jpg
Các cựu chiến binh Trung đoàn 58 đến thăm, động viên vợ liệt sĩ Nguyễn Khắc Tơ

Bấy giờ, tức là đến tháng 9-1972, Trung đội trưởng Nguyễn Khắc Tơ đã là một chỉ huy trinh sát nổi tiếng can trường nhưng cũng rất hào hoa. Anh là nhà thơ đáng yêu của tiểu đoàn. Rất nhiều chiến sĩ chép thơ anh. Bài thơ “Đường ra trận” của anh đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được nhạc sĩ Thanh Phúc chuyển thể thành ca khúc “Pháo ta nổ rền trời Khe Sanh”. Ca khúc hoành tráng ấy được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam suốt những năm chiến tranh.

Mỗi lần nghe anh đọc thơ, chúng tôi thường hình dung ra chàng sinh viên văn khoa Nguyễn Khắc Tơ bước vào cổng trường đại học, một ngày nào đó khi đất nước hòa bình. Nhưng mơ ước ấy đã trở nên rất mong manh khi chúng tôi nhận tập thơ anh gửi lại, nhờ giữ hộ trước khi anh ra trận. Từ cứ điểm 132 khu động Ông Do, anh được cử đi đánh phối thuộc với sư đoàn bạn. Trước khi xuất phát, tiểu đoàn trưởng trao cho anh khẩu AK báng gấp mới được quân khí cấp phát.

Nhìn khẩu AK sáng bóng chưa hết hơi dầu mỡ, từ hậu phương miền Bắc gửi vào, anh rất thích. Nhưng cũng giống như lần ưu tiên về phép, anh lại từ chối. Anh bảo, khẩu AK báng gấp anh dùng lâu nay tuy cũ nhưng quen dùng rồi, không nỡ chia tay. “Bắn khẩu súng mới, nhỡ chết thì phí”-anh cười, nửa đùa nửa thật. Mấy tuần sau, không ngờ câu anh nói đùa, “nói gở” lại thành sự thật. Sư đoàn 312 báo lại: Đài quan sát của anh bị địch phát hiện, vây bắt. Anh đã chiến đấu bằng khẩu AK cũ, bắn đến viên đạn cuối cùng.

Các đồng đội Sư đoàn 312 đã tìm thấy thi hài anh, chôn cất anh cùng khẩu AK, đục một thùng lương khô khắc tên anh. Nhưng ngay ngày hôm sau, không rõ có phải nấm mộ đắp hơi cao, địch phát hiện ra hay chỉ là ngẫu nhiên, pháo địch đã bắn tung mộ, đất cát lật lên lật xuống, không còn dấu vết, kể cả tấm tôn. Sau mấy tháng, chỗ anh nằm đã bị bom pháo địch đào bới, cắt đôi cả quả đồi. Anh hy sinh mà không biết là mình đã có con. Lá thư chị báo tin vui có thai đến chiến trường khi anh đã xách AK vào trận. Tiểu đoàn chúng tôi chờ rất lâu mới dám bóc lá thư chị viết. Cả hai sư đoàn (308 và 312) đều báo tử, tưởng như anh hy sinh hai lần...

Từ nghĩa trang về nhà chị, chúng tôi ghé thăm đình làng Bát Tràng. Tưởng rằng ra khỏi nghĩa trang, thăm đình làng sẽ khiến mọi người khuây khỏa nỗi nhớ thương, là bước sang một không gian văn hóa mới, nhẹ nhàng. Nhưng dấu tích người xưa vẫn không thôi vương vấn. Chàng trai con liệt sĩ chỉ cho chúng tôi một cỗ kiệu sơn son thếp vàng đang đặt bên ngai thờ thành hoàng.

Chàng trai bâng khuâng: “Các bác đi cùng đợt bố cháu về kể: Bố mày ngày xưa học giỏi nhưng hư lắm, toàn trốn việc nhà, tìm chỗ vắng đọc sách. Bố mày hay chui vào cái kiệu này đọc cho khỏi lộ. Ngày xưa, cái kiệu chỉ che bằng mành mành, nhìn vào trong thông thống. Bây giờ sơn lại, tân trang mới có gấm thêu, kim tuyến đẹp thế chứ. Chúng tao thấy bố mày ngồi đọc im phăng phắc như tượng, nhiều hôm trông thấy giật mình bỏ chạy, chết khiếp... Học hết lớp 10, bố mày khai tăng tuổi viết đơn tình nguyện để khỏi phải ngồi kiệu đấy”.

Vào nhà, chúng tôi đã thấy hai mâm cơm soạn ra chờ sẵn. Chị không nhìn được nhưng chỉ gọi một câu là đồ ăn dịch vụ tới nhà. Có mấy ông cựu chiến binh nghe tin chúng tôi đến thăm chị cũng vội đổ hai chai Lúa Mới vào hai cái bi đông lính cũ sang ngồi “làm vài chén cho vui”. Chị ngồi bên, không ăn, chỉ ngồi… nghe tiếng bát đũa lách cách và tiếng chào mời. Đứa cháu đích tôn của anh chị cầm tập “Thơ ông nội” trên bàn thờ đặt vào lòng tay bà.

Có cháu ở bên, chị vui lên. Cháu trai được thừa hưởng gen ông, học giỏi, đã từng dự thi học sinh giỏi Toán toàn quốc trong đội tuyển của thành phố Hà Nội, và bây giờ đã là sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân. “Lâu lắm rồi nó chẳng đọc thơ ông cho bà nghe. Thơ ông mày dễ hiểu nhưng không dễ thuộc”, chị nói như buông một lời trách yêu cả hai ông cháu. Cháu ngay bên lòng, còn ông thì ở rất xa. Tôi băn khoăn, không biết chị mân mê lần giở từng trang thơ đã bao năm rồi. Những dòng thơ đã nhạt màu mực vì vân tay chị, hay thơ anh đã ngấm vào da thịt chị?

Có giọt lệ nhỏ ứa ra từ đôi mắt mờ đục của chị. Hình như mấy chục năm nay, chị cố tình nhắm mắt lại để nhìn rõ anh hơn. Chị nhắm mắt nhưng nhìn thấy tất cả. Chị biết tất cả. Chị biết con trai đã nói dối là tìm thấy hài cốt cha, đã đưa cha về bên mẹ. Có lẽ chị chấp nhận lời nói dối của con cháu, họ hàng và chính quyền, làng xóm… để chấm dứt sự nhọc nhằn, tốn kém cho mọi người. Chị biết dưới mộ anh chỉ có nắm đất Quảng Trị.

Bằng chứng là chị im lặng gật đầu nhưng chỉ ra nghĩa trang viếng anh một đôi lần. Chị chống gậy tìm đường ra đình làng nhiều hơn ra nghĩa trang. Đặt gậy bên thềm, chị ngồi nghe lá đa rơi, cảm nhận rằng linh hồn chồng mình đã tìm về đình làng. Chị biết, trong cỗ kiệu gần đó có trái tim một chàng trai trẻ năm xưa vẫn còn đập. Một chàng trai đã không chịu ngồi yên trong cỗ kiệu, chờ ngày hòa bình./.

Phạm Thành Hưng