Tôi nhặt lên: “ Mịch Quang tuyển tập”. Sách do anh Nguyễn Thế Khoa ký tặng cha con tôi. Ký ức ùa về, tôi nhớ lại Mồng 2 Tết năm Kỷ Hợi, cha tôi ngồi nói chuyện về những kỷ niệm của ông với cụ Mịch Quang – Nhà nghiên cứu tuồng số một của Việt Nam.
****
Cành mai năm nay con mua nở đẹp đấy. Hoa mong manh vừa đủ. Nụ xanh điểm lộc xuân đang đến. Ông cụ khen con gái khéo chọn hoa.
Con pha ấm trà đi. Bố con mình ngồi nói chuyện ngày xuân.
Dạ vâng, thưa bố. Tôi đáp.
Tôi đi đun siêu nước, tráng ấm chén và bắt đầu pha trà. Đoán chừng nước đã ngấm chớm, vừa đủ búp nở hơi non một xíu để ra trà. Tôi rót và nâng chén mời ông cụ.
Cha tôi ngồi bắt chân chữ ngũ, tay kẹp điếu thuốc Thăng Long dẹt rồi từ từ đưa chén trà lên nhấp môi.
Con pha chỉ được điểm 7 so với mẹ con thôi. Mẹ con pha trà hương nhài thì ai đã một lần thưởng sẽ nhớ mãi.
Dạ vâng ạ. Tôi đáp và cũng biết là mình không thể khéo bằng mẹ được.
Biết tính ông cụ, tôi bày đĩa bánh quy ra bàn và ngồi chờ.
Làn khói thuốc mỏng manh bay nhè nhẹ. Một chốc, cụ bắt đầu thong thả kể.
Xưa do tính chất công việc của mình, bố đi nhiều, làm nhiều, dạy nhiều và cũng tiếp xúc nhiều người. Trong đó có rất nhiều bậc anh tài của đất nước. Nay đã một năm ngày cụ Mịch Quang ra đi, bố nhớ cụ quá(2).
Cụ Mịch Quang mà người ta vẫn gọi là “Lão tướng Tuồng” ý ạ? Tôi rụt rè hỏi.
Đúng rồi con.
Tiếng đồng hồ điểm tích tắc.
Cụ thì quá thân với bố. Cha tôi bắt đầu kể. Bố làm cùng với cụ từ những năm 60. Bắt đầu từ năm 63. Đó là cái chuyên đề bố đi làm về ngôn ngữ sân khấu, trong đó có ngôn ngữ tuồng. Chuyên đề này bố làm rải rác mất mấy năm liền vì ngoài tuồng còn các đoàn kịch. Hồi đó bố ở Viện Văn học, Tổ Ngôn ngữ thuộc Viện Văn. Dạo đó cụ Mịch Quang làm ở Bộ Văn hóa và cụ hay đến Viện Văn học để trao đổi về nghệ thuật tuồng. Tất cả các cán bộ của Viện đều đến dự. Thế là bố gặp cụ và đặt vấn đề.
Cha tôi lim dim mắt rồi tiếp.
Khi biết bố làm về đề tài ngôn ngữ tuồng, cụ thích lắm. Cụ ôm lấy bố bảo cái chuyên đề này hay quá! Cụ bảo “Ôi thế thì phải có các anh thì mới nói hay được!”
Chừng như cha tôi bắt đầu vào “guồng”.
Dạo đó, Bố tôi cùng với cụ cứ đạp xe từ nội thành Hoàn Kiếm mà đi xuống mãi nhà hát tuồng để nghiên cứu. Bố đi nghiên cứu về tuồng thì phải có cụ Mịch Quang mới hiểu thêm được. Kịch nói thì bố tự làm nhưng tuồng thì phải có cụ Mịch Quang. Có cụ dắt mối người ta mới cho gặp để mà làm việc vì cái nghề tuồng họ giữ bí mật lắm.
Hai thầy trò cùng đi, đi nhiều. Cứ đạp xe lóc cóc, đêm rét mà đi xuống như thế. Chỉ cần ra đến bến xe Kim Mã là đồng không mông quạnh chứ không phải nhà san sát như bây giờ. Toàn đi buổi tối, chỉ có một số buổi đi ban ngày thôi. Trên đường cứ hun hút, thế mà cứ thăm thẳm đi xuống. Có hôm thì họ diễn, có hôm thì họ tập. Vất vả lắm.
Ngày đó, không có điện thoại, nhưng hai thầy trò vẫn tìm cách liên lạc được với nhau. Thí dụ bố đến chỗ đoàn tuồng bảo anh Mịch Quang có đến cho tôi gửi cái tin này, thế là hẹn nhau gặp. Ăn uống thì có cái gì đâu, ăn ở nhà ăn tập thể, có hàng quán như bây giờ đâu. Chỉ có hàng nước chè thôi cũng khốn khổ. Có những cái đêm đi với nhau thì về với nhau. Đêm khuya còn có một cái hàng nước nào đó thì hai thầy trò lại vào ngồi uống nước mà đàm đạo. Cụ sống nghèo lắm, cái xe đạp cọc cạch đi suốt, mà có được cái xe đạp cũng là may lắm rồi. Cha tôi nhấc cặp kính ra lau mắt. Tôi không rõ có phải do ông nhớ lại mà cảm động hay không.
Cụ người Quảng Nam, gày gò, say mê nghệ thuật, say mê tuồng lắm. Ấn tượng ở cụ là cụ rất am hiểu về tuồng, hiểu rất nhiều về tuồng. Phải nói đất Quảng là cái đất phát tích ra tuồng. Các diễn viên tuồng khi hát phải lơ lớ giọng Quảng nó mới hay. Tuồng Bắc có nhưng không hay bằng tuồng Nam. Tuồng là cội nguồn từ Quân khu 5, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng. Tuồng Bình Định hay lắm. Cụ giỏi, con nhà trâm anh thế phiệt, hiểu biết sâu sắc lắm, tri thức rộng lắm. Cụ cũng nhiều việc, cứ đi suốt, có ngồi một chỗ đâu. Rồi có thời gian thì cụ đọc sách, đọc các vở tuồng, đọc các sách lý luận, ngoài ra cụ còn bám sát các đoàn tuồng nữa.
Nhấp chén trà rồi cha tôi tiếp, hồi bố dạy học cái thời chiến tranh, Sư phạm Vinh mời bố vào dạy. Hôm đó khoa Văn làm thế nào đó cũng mời được cụ Mịch Quang. Cùng trong chiến tranh, cụ đi vào đấy giảng và nói chuyện về tuồng. Vào đến nơi trông thấy bố thì cụ mừng quá. Dạ thưa bố, bố vào dạy cả ở Vinh cơ ạ. Tôi nghe thấy thế bèn hỏi.
Bố dạy nhiều con ạ. Ngoài Học viện Báo chí và tuyên truyền là nơi bố gắn bó nhiều nhất, bố còn giảng dạy ở Đại học Tổng hợp(3), Đại học Sư phạm I Hà Nội, Sư phạm II, Đại học sư phạm Vinh, Huế, Nha Trang, đủ cả. Hồi 75 sau giải phóng Đại học Văn khoa Sài Gòn cũng mời bố vào dạy, sau này bố dạy cả ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Chưa kể bố đi giảng dạy ở rất nhiều địa phương khác cũng như nhiều trường khác nữa.
Dạ vâng, bố kể tiếp đi ạ.
Bố với cụ như là tri âm tri kỷ vậy. Thích lắm. Nên cái hôm gặp ở Vinh cụ mừng ơi là mừng. “Ối giời anh cũng vào đây à?”. Tại sao lại gặp nhau trong thời chiến như thế này? Tại một cái trường Đại học mà nó sơ tán khắp tỉnh, về cả Thanh Hóa, đi Thanh Chương, đi khắp nơi. Chỉ ở một thời gian là phải đi nếu không địch nó phát hiện ra nó bỏ bom thì chết hết sinh viên. Hồi đó là năm 1972, gặp nhau ở Quỳnh Lưu. Cụ cũng đi công tác, đi các đoàn tuồng địa phương. Trường họ biết thế là họ mời cụ đến nói chuyện. Ăn cơm bo bo với học trò mà dạy. Sinh viên khoa văn họ phải học về các môn nghệ thuật, trong đó có các giờ về tuồng. Thế thì được cụ Mịch Quang đến thì như bắt được vàng. Thế là cụ giảng, sinh viên nghe sướng lắm. Tụi nó ghi chép cẩn thận. Ngày xưa làm việc tâm huyết, chất lượng. Xưa danh với thực nó không đi đôi với nhau.
Cha tôi trầm ngâm.
Cụ đối với bố như là bạn vong niên, tức là bạn quên tuổi. Bạn vong niên tức là bạn không tính đến tuổi. Anh có hơn bao nhiêu, tôi có kém bao nhiêu tuổi thì vẫn cứ là bạn. Hay lắm, cụ rất thích. Cụ sống nghèo lắm, cái xe đạp cọc cạch đi suốt, mà có được cái xe đạp để đi cũng là tốt lắm rồi. Cha tôi lại nhắc lại chuyện cái xe đạp. Tôi đoán chừng ông ấn tượng lắm, kỷ niệm nhớ lắm. Thế rồi ông lại quay lại kể về thời kỳ đi đến nhà hát tuồng. Quả thực hiểu biết của tôi về tuồng là quá ít ỏi, nên tôi tròn mắt lắng nghe.
Ý nghĩa của tuồng là nó từ nhân dân mà ra. Nó bắt đầu từ hát bội rồi mới đưa lên thành tuồng. Hát bội cũng như là tuồng, nhưng nó là sân khấu đơn giản ở nông thôn. Các điệu hát của tuồng đều lấy từ hát bội hết. Nghệ thuật tuồng nó trí tuệ lắm. Trong vở tuồng, hễ là thằng hề nó nói một câu gì hay là cái ông cầm trống chầu ông ý đánh để thưởng. Ông ý là quan trọng lắm. Người khách đấy, khán giả đấy. Ngày xưa ông nội con cũng đánh trống chầu đó. Phải là người hiểu tuồng thì mới cầm được trống chầu. Cầm trống chầu như thế là người đại diện cho khán giả mà bình xét. Bây giờ thì không còn chứ ngày xưa nếu buổi tối diễn tuồng là buổi chiều đi xe kéo, ăn mặc, son phấn, mũ mão, để cái biển là tích gì tích gì, rồi đi rong khắp phố để báo cho người ta biết. Marketing đó. Dân phố nhìn biết là tối nay tích đó, họ đi đông lắm.
Con ra thêm trà đi.
Tôi mải nghe quên cả ra trà cho cha tôi. Vội vàng nhanh tay tôi châm trà.
Cụ giảng về hề là một nhân vật tưởng như là phụ nhưng mà rất quan trọng, nó nhấn một điểm gì đấy trong vở, hay nhấn một vai tuồng mà chỉ bằng một lời nói của nó thôi. Thực chất của hề là nó bình xét các nhân vật, là những nhận xét tinh tế về các nhân vật trong vở tuồng. Khi nó nói thì nó thưa bẩm đấy nhưng kỳ thực nó là bình xét. Chính là người xem tuồng người ta rất chú ý các vai hề. Cho nên ngôn ngữ của hề nó chọn lọc lắm. Đừng tưởng hề chỉ gây tếu thôi. Hề đóng rất khó chứ không phải dễ đâu. Đặc biệt là lời nói trong tuồng nó chau chuốt lắm, chứ nó không ầm ĩ.
Dạ, từng chi tiết kỹ càng thế cơ ạ, thưa bố. Không kìm được băn khoăn, tôi thốt lên.
Kỹ càng lắm con ạ. Ông cụ thong thả đáp rồi tiếp. Đi xuống thế rồi mình có đề xuất gì thì cụ Mịch Quang sẽ liên hệ với đoàn tuồng. Những chuyện bố không biết, bố hỏi thì cụ giảng giải. Chẳng hạn cho một cảnh diễn khi triều đình họp hỏi nên đánh hay nên hòa. Người trung thì nói “quyết đánh” rất đanh, rất dứt khoát. Mấy người nịnh thì đai giọng ra. Thế thì cách giảng giải cũ thì họ bảo “Không, nghe nhé, phải nói như thế này này”, rồi lại diễn lại cái đó thì nó khó hơn. Nói như thế là nói thế nào? Nhưng diễn đạt theo ngôn ngữ học thì phải diễn giải chỗ này thì đoản mạch, chỗ kia thì liền mạch. Ví dụ thế. Rồi cụ nói rõ cho bố biết vở này lớp nào, lớp vai nào? Những cái lớp lang như thế. Rồi y phục, màu sắc, những cái đấy là của cụ.
Bố là chú ý chuyên sâu về mặt ngôn ngữ, chủ yếu của bố là trọng âm trong các lời tuồng. Tức là trọng âm nó rất quan trọng, nó làm cho mình hiểu rõ. Đến những chỗ đó nếu có phần âm nhạc thì âm nhạc phải nên thế nào cho nó hay. Như thế giúp cho đoàn tuồng để họ điều tiết. Những điều đó mình nghiên cứu rồi mình lập ra một cái sơ đồ âm thanh lên xuống, mạnh nhẹ trong vở tuồng đó. Bố phải diễn giải bằng các công đoạn khoa học của các sóng âm thanh. Mình phải bằng ngôn ngữ học mình thuyết minh lại những cái thực tế đó. Đấy là thực tế. Bố cùng với cụ trao đổi với trưởng đoàn, với đạo diễn.
Cụ bảo cái ý của anh Tri Niên là thế này thế này, thì họ ghi lại rồi họ làm thành tài liệu họ đào tạo. Rồi những báo cáo khoa học đó bố đúc kết lại, cụ Mịch Quang in ra. Tài liệu phải hướng dẫn rõ phần ngữ âm, trọng âm, nhấn mạnh, âm thanh, khi đó lượng âm ở trong họng đưa ra như thế nào? Lập thành một sơ đồ âm thanh. Thì đấy là cái phần của bố. Thế thì sau đó tổng hợp lại thành tài liệu. Phải có những nhận xét, giảng giải minh bạch và khoa học thì đào tạo nó mới nhanh mà hiệu quả. Có tài liệu đấy họ dạy nhanh lắm.
Đồng hồ điểm 11h. Tôi hơi nhấp nhổm. Đoán chừng ý tôi, ông cụ bảo:
Con cứ ngồi yên nghe bố kể. Chuyện ăn uống nhất là ngày Tết không quan trọng.
Dạ vâng ạ. Tôi im re. Ông cụ lại say sưa nói tiếp.
Muốn trao đổi được những cái đó thì phải có cụ Mịch Quang thì mới làm được. Bố trình bày với cụ Mịch Quang, cụ thấy hay là cụ đề cập ngay với đoàn tuồng, thế là họ chỉnh ngay vì nó đúng quá. Vì bố là dân ngữ âm thì làm sao mà thoát ra được cái tai ngữ âm của bố. Nhiều lắm. Bố không nhớ được. Có cụ Mịch Quang là họ tin ngay. Chứ cái nghề tuồng người ta giấu nghề lắm. Một người lạ hoắc đến là họ không nghe đâu. Thế mà họ sẵn sàng cho mình dự các buổi tập.
Thứ hai nữa là cụ làm mối cho bố gặp các đoàn. Cụ lo cho chuyện đó thì bố làm việc được dễ dàng. Không những gặp các đoàn mà nhiều khi bố còn cần phải gặp cả diễn viên, thế thì họ tạo điều kiện cho bố. Phần ngữ âm của bố đi đôi với cử chỉ điệu bộ và nội dung của lời thoại. Mà như thế là cụ thích lắm vì nó giúp cho cụ được nhiều. Những cái đó về sau này cụ nâng lên thành lý luận về tuồng. Cái đó cần lắm. Trong lý luận của tuồng có phần lời thoại và cách nói. Vì thế mà bố với cụ thành thân nhau. Bố với cụ phối hợp với nhau hay lắm, ăn ý lắm, hiệu quả lắm. Tiếc là cụ mất mất rồi. Chứ còn sống thì sướng lắm. Gặp cụ thì vui lắm. Nếu cái cơ duyên này gặp nhau sớm hơn thì bố với cụ hàn huyên thì tuyệt vời.
Lúc này, tôi nghe thấy những âm vực trầm đục đầy xúc động của cha tôi. Ông cụ vẫn tiếp.
Cụ giỏi và thông minh lắm, am hiểu về tuồng sâu sắc lắm. Khó có người nghiên cứu tuồng được bằng cụ Mịch Quang. Cụ phân tích tuồng sâu sắc và hay vô cùng. Không có ngóc ngách nào của tuồng mà cụ không biết. Nhưng cụ sống thanh đạm. Mà cụ thân với bố lắm.
Cha tôi bỗng trầm hẳn giọng xuống và chậm rãi nói rõ từng câu. Những người như cụ Mịch Quang là những bậc Trí giả của đất nước. Nói đến đây ông cụ lặng hẳn đi, điếu thuốc hút dở đặt ngang gạt tàn.
Nắng xuân vàng như mật ong non xiên qua cửa sổ. Mấy chòm hoa tỏa hương vương vất hướng về phía cha con tôi. Dường như cảnh vật cũng như đang lắng nghe, đang cố gắng ghi nhận từng lời, từng câu chuyện kể về một bậc anh tài của đất nước.
Xuân Nhâm Dần. Con kính Cha và con cũng xin được kính Cụ Mịch Quang.
Ghi chú:
(1): Nhà báo Nguyễn Thế Khoa – Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến: Con trai cụ Mịch Quang.
(2): Cụ Mịch Quang tạ thế ngày 14/2/2018.
(3): Nay là Đại học KHXH và NV.
(4): “Mịch Quang tuyển tập”, trang 17.
Hà Nội, Tháng 3, Xuân Nhâm Dần.
Nguyễn Phương Anh (con gái Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên)
Ghi theo lời kể của Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên.