Đó là một nhà khoa học trẻ đầy tài năng, Hơn 30 năm sau khi anh ra đi, công trình nghiên cứu quốc phòng bí mật mà anh đã có những đóng góp tích cực về giải pháp khoa học công nghệ đã được Đảng và Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Nhà khoa học trẻ ấy là thiếu uý, kỹ sư Hoàng Kim Giao.
Hoàng Kim Giao sinh ngày 25-12-1941 (tuổi Tân Tỵ) tại Đồ Sơn - Hải Phòng, trong một gia đình trung lưu, có 8 anh em, Giao là con trai cả. Người cha của anh - ông Hoàng Văn Luận từng là Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Hải Phòng trước khi chuyển ngành về làm Bí thư Đảng uỷ Nhà máy Cơ khí Duyên Hải. Ông cũng chính là người đã có sáng kiến phát động phong trào “Sóng Duyên Hải”, để góp vào “Gió Đại Phong - sóng Duyên Hải - cờ Ba Nhất” nổi tiếng một thời.
Trong kháng chiến chống Pháp, cậu bé Hoàng Kim Giao theo cha mẹ lên chiến khu Việt Bắc, rồi được gửi đi học tại trường thiếu sinh quân ở Quế Lâm - Trung Quốc trong 7 năm (1952 – 1959). Cậu vinh dự có tên trong danh sách 34 chiến sĩ thiếu sinh quân đầu tiên của Việt Nam, do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký. Những năm 1961 - 1965, Hoàng Kim Giao được quân đội gửi vào học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (chuyên ngành Vật lý hạt nhân), đồng thời là học viên Trường sĩ quan Kỹ thuật của quân đội. Vốn thông minh, học giỏi, lại chịu khó, nên mới 26 tuổi, Hoàng Kim Giao đã có hai bằng đại học, sử dụng thành thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nga.
Sau khi được điều về công tác tại Cục nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng (nay là Phân viện Điện tử Viễn thông, thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng), Hoàng Kim Giao còn tranh thủ học thêm về chuyên ngành vô tuyến điện ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhận rõ khả năng phát triển của người cán bộ trẻ, quân đội đang chuẩn bị cho anh đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Cũng trong thời gian này, Hoàng Kim Giao tự học các ngoại ngữ Anh, Pháp và Tây Ban Nha... với quyết tâm nắm vững các ngoại ngữ này.
Nhưng đó cũng là thời điểm không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Hàng triệu tấn bom đạn đã trút xuống các tuyến giao thông huyết mạch trên đất liền và cả trên biển; trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại nhất hồi ấy như bom từ trường và thuỷ lôi từ tính nổ chậm, để ngăn chặn các phương tiện vận tải của ta phục vụ hậu cần cho kháng chiến. Điều đó đã khiến cho giao thông đường bộ, đường thuỷ của ta gặp không ít khó khăn và thiệt hại.
Một nhóm các kỹ sư của Cục Nghiên cứu Kỹ thuật trong đó có Hoàng Kim Giao, được giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ cho công trình “Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967 – 1972”. Đây là một trong những công trình khoa học do Bộ Quốc phòng chủ trì, mang tính sống còn của ngành giao thông vận tải miền Bắc hồi đó, nên nó đã được tuyệt đối giữ bí mật.
Mỗi nhóm nghiên cứu chỉ được biết riêng nhiệm vụ của mình. Tham gia đề tài khoa học này, có những người rất nổi tiếng như GS.TS Đàm Trung Đồn, TS. Trịnh Đông A... Riêng với Hoàng Kim Giao, là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về bom từ trường, anh đã say mê công việc nghiên cứu tới quên ăn, quên ngủ.
Từ lý thuyết đến thực hành là cả vấn đề cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của mỗi đề tài khoa học. Trong điều kiện chiến tranh còn nhiều thiếu thốn, cuối tháng 9-1968, Hoàng Kim Giao xung phong dẫn một đoàn công tác đặc biệt trực tiếp vào chiến trường khu 4, để thực hành nghiên cứu cách tháo gỡ các loại bom từ trường mới nhất của địch vừa ném xuống chiến trường, thu chiến lợi phẩm về nghiên cứu; đồng thời, huấn luyện hướng dẫn cho bộ đội và thanh niên xung phong các đơn vị địa phương phá bom từ trường nổ chậm. Đoàn gồm 6 người, do thiếu uý Hoàng Kim Giao làm trưởng đoàn, và hạ sĩ Lưu Tuấn Kiệt (hiện là nhà thơ, sống và làm việc tại tỉnh Hưng Yên) làm phó đoàn. Và các chiến sĩ: Cư, Tước, Thái, Tín.
Hồi đó, khu 4 được mệnh danh là “tuyến lửa”, với những “nút” giao thông quan trọng, đã tạo nên những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ. Những cái tên như: Đồng Lộc, Ô Dước, Truông Bồn, Khe Tang, Khe Ve... đã hằn sâu trong ký ức về bom đạn của những người đã đi qua đó trong chiến tranh dù chỉ một lần. Cả một vùng mênh mông đỏ ối màu đất mới và khói bụi. Không còn khoảng trống nào nguyên vẹn, đến cỏ cũng không kịp mọc, vậy mà con người vẫn phải bám trụ và chiến đấu.
Đoàn công tác đặc biệt của anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hướng dẫn cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong phá và tháo gỡ được hàng ngàn quả bom nguy hiểm. Riêng Hoàng Kim Giao cũng đã trực tiếp hàng trăm lần đối mặt với tử thần. Anh đã sử dụng các thiết bị kỹ thuật như xe chuyên dụng phóng từ, khung dây PK, và cả những phương pháp cổ điển thô sơ nhất… phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường. Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã đến với nhà khoa học trẻ vào ngày cuối cùng của năm 1968. Anh hy sinh khi bao dự định, ước mơ về các công trình nghiên cứu khoa học còn dang dở...
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tháo gỡ và phá bom từ trường tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, đoàn công tác đặc biệt của Hoàng Kim Giao được lệnh đưa những chiến lợi phẩm đã thu được của địch (gồm “Cây nhiệt đới” và các loại đầu điều khiển nổ của bom từ trường mang ký hiệu MK42, đã được các chuyên gia vũ khí Mỹ cải tiến liên tục từ “modem 0” tới “modem 3”) cùng khí tài trang bị trên xe chuyên dụng ra Hà Nội báo cáo kết quả. Ngày 29-12-1968, đoàn dừng chân xin nghỉ nhờ tại xã Nam Hưng (Nam Đàn, Nghệ An). Biết đây là đoàn chuyên gia phá bom từ trường trên đường về Hà Nội, địa phương đã đón tiếp rất nồng hậu. Đây cũng là thời điểm Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, chính quyền xã đã đề nghị đoàn giúp đỡ phá một số quả bom chưa nổ còn nằm lại địa phương, để bà con nhân dân yên tâm sản xuất. Hoàng Kim Giao đã nhận lời, động viên anh em trong đoàn, coi đó là một nhiệm vụ đột xuất...
Mới sáng sớm, anh Giao đã chuẩn bị bộc phá và giây cháy chậm cho trận đánh. Đã hàng trăm lần cùng nhau tháo gỡ bom từ trường, nhưng chưa lần nào anh Giao dặn dò đồngg đội lại tỷ mỉ và xúc động đến thế. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều hiểu rằng, mỗi lần vào trận đánh là mỗi lần họ phải trực tiếp đối mặt với tử thần, sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc. Bởi loại bom từ trường này khi đã rời khỏi máy bay đều có chế độ tự huỷ (nếu không bị kích nổ bởi từ trường, thì chúng sẽ tự nổ không theo một quy luật nào).
Và sự hy sinh của các chiến sĩ tháo bom cũng là điều dễ hiểu. Đồng hồ chỉ đúng 7 giờ 30 phút, cả đoàn chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 3 người bắt đầu xuất phát. Họ chỉ mặc đồ lót, trên người không có một mảnh nhỏ kim loại. Đó là nguyên tắc sống còn khi tiếp xúc với vũ khí giết người này. Theo kế hoạch, 2 nhóm sẽ cùng vào trận để tháo ngòi nổ của 2 quả bom từ trường nằm cách nhau khoảng 700 mét.
Nhóm thứ nhất do anh Giao trực tiếp phụ trách có hai chiến sĩ là Phạm Văn Cư và Lương Văn Tín sẽ tháo ngòi nổ của một quả bom từ trường nằm trên sườn đồi Khe Diêm, sát quốc lộ 15. Quả bom cỡ lớn, chứa gần 300kg thuốc nổ cực mạnh, nằm xuyên sâu vào lòng đất, chỉ còn hở mỗi phần đuôi. Muốn tháo nó, các chiến sĩ phải sử dụng những gói bộc phá loại nhỏ, nặng chừng 2 lạng (nếu bộc phá lớn hơn, bom sẽ nổ theo), đánh bộc đất đá xung quanh. Đánh xong mỗi quả, lại phải dùng tay không để bới đất đá... cho tới khi nào lộ cái “phích” trung gian nối giữa đầu điều khiển và đầu nổ, rồi tháo “phích” để vô hiệu hóa chúng. Chỉ cần một sơ xuất rất nhỏ, cũng có thể làm cho bom phát nổ, hậu quả thật khôn lường...
Chuẩn bị đánh bộc phá, anh Giao nói với Cư: - Hôm nay để anh trực tiếp thao tác, vì anh có kinh nghiệm, nên sẽ yên tâm hơn. Chú xuống cảnh giới cùng với thằng Tín đi! Cư không chịu, bảo: - Anh là kỹ sư, trưởng đoàn, còn em chỉ là chiến sĩ... Nếu cần phải hy sinh thì nên “thí tốt”, chứ đừng “bỏ xe”. Anh Giao mắng át đi: - Nói bậy nào! Tính mạng con người ai chả như nhau. Nhưng anh chưa có con cái vướng bận gì. Mà nghe nói vợ chú vừa đẻ con trai phải không? Chú xuống đi, để sau này cháu còn được nhìn mặt bố. Anh ra lệnh đó, không bàn cãi nữa, xuống mau!
Đợi cho Cư xuống tới vị trí an toàn. Anh Giao cho nổ bộc phá đầu tiên, rồi một mình hì hục bới đất xung quanh thân bom. 3 quả bộc phá đã đánh xong, bới hết đất mà cái phích trung gian vẫn chưa hiện ra. Tới khi anh Giao gọi mang quả bộc phá thứ 4 lên, thì Lương Văn Tín bảo với Cư: - Em đã theo các anh đi đánh bom mấy tháng rồi, mà chưa được trực tiếp trận nào. Anh cho em mang bộc phá và dây cháy chậm lên cho anh Giao, rồi ngó xem “mặt mũi thần chết” nó như thế nào, sau này hòa bình rồi, về quê còn có chuyện mà kể với bạn bè chứ!
Tín là lái xe của Bộ Tư lệnh 500 đi phối thuộc, (không thuộc quân số của Viện Kỹ thuật quân sự), nhập ngũ chưa lâu, mới qua tuổi 18, người cao to, trắng trẻo, rất đẹp trai, quê ở An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Thấy Tín nằn nì mãi, nể quá nên Cư gật đầu đồng ý. Cư hồi hộp nhìn theo cái dáng hớn hở của Tín cầm gói bộc phá chạy lên sườn đồi, khuất sau mấy bụi sim mua, đoán chừng đã tới vị trí của quả bom... Bỗng, một chớp lửa nhoàng lên, rồi tiếng nổ rung đất, bầu trời như tối sầm bởi khói, bụi và đất đá rơi rào rào. Cư bị sức ép hất ngã, hai tai ù đặc. Anh bật dậy, vừa chạy ngược lên đồi, vừa gào trong nước mắt: - Anh Giao ơi! Tín ơi!... Trước mắt Cư, chỉ còn là một cái hố bom rộng và sâu hoắm...
Buổi trưa hôm đó, chính quyền xã Nam Hưng đã cử khoảng 20 dân quân lên khu vực bom nổ thu gom thi thể cho 2 liệt sĩ. Họ phải vạch từng bụi sim mua, nhẹ nhàng và tỉ mỉ lật từng cục đất, cố gắng hết mức cũng chỉ tìm lại được chừng một kilôgam thi thể. Không thể phân định được đâu là của Hoàng Kim Giao, đâu là của Lương Văn Tín, họ đành chia đều thành hai gói nhỏ, đặt vào 2 chiếc quan tài. Đám tang của 2 liệt sĩ Hoàng Kim Giao và Lương Văn Tín được dân quân đốt đuốc, tổ chức vào lúc gần nửa đêm. 2 ngôi mộ cùng nằm trên một đồi cao lộng gió. Cả xã Nam Hưng đều rơi nước mắt.
Gần 30 năm sau ngày nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao hy sinh, công trình “Phá thuỷ lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967 – 1972”, đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Đây là giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta tặng cho các tập thể, cá nhân có công trình, hoặc cụm tác phẩm xuất sắc nhất; các công trình, cụm tác phẩm đó phải có ảnh hưởng to lớn, tích cực tới đời sống văn hóa xã hội, hoặc an ninh, quốc phòng...
Hầu hết các tác giả vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đều là những người cao tuổi, những văn nghệ sĩ, trí thức lão thành... Và liệt sĩ Hoàng Kim Giao có lẽ là một trong những người trẻ tuổi nhất Việt Nam được vinh dự là đồng tác giả của công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hoàng Kim Giao không chỉ là một trí thức trẻ - một chiến sĩ trên mặt trận khoa học kỹ thuật mà trước hết anh là một Con Người theo đúng nghĩa viết hoa đẹp nhất của hai từ này./.