Nhà đầu tư mong muốn xây dựng khu công nghiệp theo hướng hệ sinh thái bền vững

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, các nhà đầu tư mong muốn xây dựng các khu công nghiệp theo hướng tạo thành một hệ sinh thái bền vững.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua, nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam ngày càng tăng. Cả nước hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kinh tế thế giới cho thấy dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự dịch chuyển sau đại dịch, tạo sự cạnh tranh giữa các nước đang phát triển. Điều này đang đặt ra những yêu cầu mới cho sự phát triển của khu công nghiệp trong tương lai.

Theo ông Vũ Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng, yêu cầu của bối cảnh mới, cần phát triển các mô hình khu công nghiệp chuyên ngành, đa chức năng, hình thành lối sống công nghiệp mới.

ck1-1633222170.png
Các nhà đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng hy vọng được xây dựng theo hướng Xanh hóa

"Về xu hướng mới của các khu công nghiệp, theo tôi, trước hết phải xác định rõ được nhu cầu chứ chúng ta không thể làm sẵn, chờ đợi được. Chúng ta cần phải nghiên cứu vào các mô hình may đo- tức là phải tìm hiểu thật kỹ về nhu cầu mà các khu công nghiệp sẽ được phục vụ. Phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành cũng là một mô hình cần phải được nghiên cứu theo đuổi cân nhắc. Và đã chuyên ngành thì là may đo, phát triển khu công nghiệp đa chức năng, sống làm việc, nghỉ ngơi đồng bộ và chất lượng" - ông Tú bày tỏ.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp chủ yếu vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”; Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế về hàm lượng khoa học kỹ thuật chưa cao…

Ông Phạm Hồng Điệp, CTHĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shine, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng cho biết, trong xu hướng hiện nay, phát triển khu công nghiệp nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến khu công nghiệp sinh thái, xanh, thân thiện với môi trường.

Theo ông Điệp: "Xu hướng của nhà đầu tư quan tâm đến các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường để họ tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu các sản phẩm xanh ra các thị trường mà người ta có yêu cầu, để họ có thể là họ đã được chứng chỉ xanh.

Qua đại dịch Covid-19 chúng ta đều thấy lực lượng lao động là một trong những lực lượng quan trọng lao động mà không có thu nhập thấp thì khi chúng ta quản lý lưu động này rất khó, do đó cần phải có chính sách nhà ở cho người lao động".

Theo quan điểm của các nhà đầu tư, Việt Nam cần xây dựng khu công nghiệp đa tầng. Bởi hiện nay, các khu công nghiệp truyền thống thông thường chỉ có nhà máy đơn thuần, không có nhà ở. Do vậy, xu hướng phát triển trong khu công nghiệp có hạ tầng cơ sở đô thị, bao gồm nhà ở, phòng khám, bệnh viện, nhà trường… để có thể sinh hoạt trong khu công nghiệp này.

Ông Hongsun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến nghị, nếu phát triển khu công nghiệp dịch vụ, vừa có nhà ở, thì khi áp dụng 3 tại chỗ như hiện nay sẽ phát huy hiệu quả trong việc đáp ứng điều kiện trong phòng chống dịch Covid-19.

"Nhiều nước trên thế giới cho xây dựng nhà máy đa tầng hơn, nhà máy chung cư, 5 tầng, thậm chí 10 tầng để tận dụng, hiệu quả, tiết kiệm đất làm ra nhiều cơ sở sản xuất. Do đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu công nghiệp nên điều chỉnh lại nghiên cứu để áp dụng bởi những mô hình này ở các nước phát triển và đang phát triển đã ứng dụng thành công" - ông Hongsun đưa ý kiến.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã hoàn thiện bổ sung thêm các khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp khoa học công nghệ đã cho thấy sự phát triển và sẽ đi vào chuyên sâu hơn của các khu công nghiệp tới đây…

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đón được các nhà đầu tư phát triển đến với các khu công nghiệp, thì việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn “đất sạch” để chào đón các dự án đầu tư mới- là vấn đề rất quan trọng. "Thực tế, nhiều nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp được giao đất quy mô lớn, nhưng chỉ giải phóng mặt bằng một phần, còn lại là vẫn chờ có nhà đầu tư mới giải phóng tiếp… Do đó, cần tăng cường năng lực thực tiễn của các khu công nghiệp hiện có, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, hiện đại hơn để cạnh tranh".

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị cần có các giải pháp mới để vừa giữ chân của các nhà đầu tư hiện có, vừa thu hút thêm các dự án đầu tư mới và thực hiện các định hướng thu hút đầu tư để phát triển khu công nghiệp. Cùng với việc rà soát hoàn thiện về chính sách pháp luật để đảm bảo đồng bộ về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và đô thị. Xây dựng hoàn thiện về tiêu chí, tiêu chuẩn quy mô sử dụng đất phù hợp với mô hình sản suất./

PV (Tổng hợp)