Nhà báo, nhà văn hóa Hữu Ngọc - người giăng kết toàn cầu những sợi tơ văn hóa (Phần IV)

Sau hiệp định Giơnevơ, tờ Le Vietnam Démocratique được thành lập do GS Trần Đức Thảo làm Tổng biên tập.
huungoc3-1655685546.JPG
Hữu Ngọc đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế

Tạp chí tiếng Pháp này ra đời nhằm mục đích phục vụ cuộc đấu tranh buộc thực dân Pháp phải thực hiện cam kết, rút quân về nước sau hai năm. Năm 1955, sau khi tiếp quản Thủ đô, Hữu Ngọc nhận nhiệm vụ Thư ký tòa soạn. Làm báo Le Vietnam Démocratique rất vất vả vì các thành viên Hội đồng Biên tập trong những năm sau hoà bình rất bận, nhưng tờ báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kể về những ngày tháng đó, Hữu Ngọc nói: “Làm tờ này rất vui (...) Ban biên tập toàn là các nhà trí thức lớn, giữ trọng trách thứ, bộ trưởng (như Phạm Văn Bạch, Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Đặng Thai Mai, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khánh Toàn...) thành thử triệu tập Hội đồng Biên tập khó chẳng khác gì họp Hội đồng Bộ trưởng”.

Năm 1956 - 1963 ông làm Chủ bút Tạp chí Le Vietnam en marche (Vietnam Advances hay Vietnam antau en marche), viết bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Quốc tế ngữ. Tôn chỉ của tờ báo là đấu tranh thực hiện hiệp định Giơnevơ, giới thiệu đất nước Việt Nam, truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam, giới thiệu chính thể mới và tinh thần vì hoà bình của Việt Nam ra thế giới để gây cảm tình và ủng hộ của nhân dân thế giới.

 Ông tâm sự: “Đây là tạp chí được đánh giá tốt, in tại Hà Nội và được độc giả quan tâm, yêu mến. Có một kỉ niệm mà tôi còn nhớ mãi, một độc giả gửi thư đến báo, đề địa chỉ là “Việt Nam Ô Đống Mác”, ấy vậy mà vẫn tới nơi…

Năm 1963, Nguyễn Khắc Viện về nước, đã có những cuộc gặp gỡ trao đổi giữa ông và Hữu Ngọc. Hai ông nhận thấy Le Vietnam en marche không còn phù hợp với hoàn cảnh thời kỳ chống Mỹ cứu nước nên đã đề nghị thay thế bằng Le Courrier du Vietnam, tờ báo thông tin thời sự và Edutes Vietnamiennes, đi sâu về văn hóa.

Năm 1978 nhà báo Hữu Ngọc làm Chủ nhiệm và Tổng biên tập tạp chí Edutes Vietnamiennes, tờ báo đối ngoại có chất lượng này giới thiệu khá toàn diện về Việt Nam (văn hóa, lịch sử, khoa học xã hội, nghệ thuật...), lưu ở hầu như tất cả các thư viện lớn trên thế giới, được các nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Tờ Edutes Vietnamiennes đã mở đầu và định hướng nền thông tin đối ngoại của Việt Nam, mà gần như trước đó báo chí đối ngoại Việt Nam chưa có điều kiện phát triển. Đây là hai tờ báo có uy tín tầm quốc tế và là những tờ báo mang lại nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời làm báo của Hữu Ngọc.

Hữu Ngọc cộng tác với rất nhiều tờ báo trong nước và khắp trên thế giới. Các tờ báo xuất bản ở Việt Nam như Nhân dân, Văn nghệ..., các tờ báo các nước Tiệp Khắc, Đức, Ý, Rumani, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật đều đăng bài của ông... Ông đã lập ra mục Traditional Miscellary (Mạn đàm về truyền thống) trên báo Vietnam News và đều đặn mỗi tuần viết một bài từ năm 1993.

Một mục tương tự như thế mang tên Chronique trên báo tiếng Pháp Le courrier du Vietnam từ năm 1994. Từ năm 1996, mỗi tuần ông viết một bài cho mục Sổ tay văn hóa cho báo Sức khỏe và đời sống. Từ 1998, Hữu Ngọc thường xuyên có bài đăng trên mục Hanoier’ miniaturen của báo tiếng Đức Vietnam Kurrier.

Trong bài viết Một số kinh nghiệm làm sách báo đối ngoại, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm, ông tâm sự: “Ở nước ta, trong khi đội ngũ nhà báo viết cho báo trong nước rất đông thì đội ngũ viết cho báo đối ngoại lại quá ư bé nhỏ. Bởi làm báo đối ngoại có cái khó riêng, “mang chuông đi đấm nước người mà”.

Theo ông, cũng là làm báo đối ngoại, nhưng ở châu Âu dễ làm hơn ở Việt Nam, bởi vì độc giả các nước châu Âu trình độ văn hóa tương đối đồng đều, tình cảm, cách tư duy giống nhau vì vậy dễ thông cảm với nhau, cho nên đôi khi, nhà báo chỉ cần dịch nguyên bài báo từ tiếng nước này sang tiếng nước khác. Riêng với Việt Nam, một nước mang đặc trưng phương Đông, khác biệt với họ về cách suy nghĩ, tình cảm, tâm lý... nên khi viết báo, nhà báo đối ngoại phải “phân thân”, nghĩa là nhà báo phải hiểu cách suy nghĩ, hiểu tình cảm của đối tượng phục vụ, viết, nghĩ và thể hiện bằng ngôn ngữ của họ.

Với độc giả Âu Mỹ, để hiểu được họ, nhà báo đối ngoại cần nhận thức được hai đặc điểm của họ, đó là “Họ rất dốt” và “Họ rất giỏi”. “Họ rất dốt” bởi họ không biết gì về Việt Nam, từ địa lý đến phong tục, tập quán, từ đời sống đến sinh hoạt, giao tiếp, trong bài viết cần phải giải thích cặn kẽ tất cả các chi tiết ấy sao cho thật dễ hiểu, sinh động, không xơ cứng khô khan.

“Họ rất giỏi” vì kiến thức của họ về những vấn đề chung của thế giới rất rộng và sâu, tư duy của họ rất logic, vì vậy khi viết, tuyệt đối tránh lan man, nhắc đi nhắc lại một vấn đề đã biết, gây nhàm chán và mất thì giờ cho độc giả. Về tâm lý, họ rất ghét bị ép buộc phải tin theo một kết luận nào đó, vì thế muốn phân tích hoặc chứng minh một vấn đề, cần đưa ra các dẫn chứng, các số liệu rõ ràng và thuyết phục, bắt đầu từ hiện tượng, rồi đi sâu vào lịch sử, bản chất để so sánh đối chiếu, cuối cùng để độc giả tự rút ra kết luận.

Viết song song cho báo chí nước ngoài và báo chí Việt Nam, cùng với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa Việt Nam và thế giới, nhà báo Hữu Ngọc đã xây dựng được những nét riêng độc đáo cho bài viết của mình. Khi làm báo bằng tiếng nước ngoài, viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, các bài báo của ông cũng như các tờ báo ông biên tập, lãnh đạo luôn được đón nhận tại rất nhiều nơi trên thế giới, khiến nhiều nhân vật nổi tiếng hết sức khâm phục bởi vốn kiến thức vô cùng uyên bác và cách trình bày khoa học, hấp dẫn.

Khi làm báo bằng tiếng Việt, tác phẩm của ông thường được viết ngắn gọn, cô đọng, súc tích. Câu văn rất đơn giản, dễ hiểu, nhưng không khô cứng mà tạo được sự cuốn hút, cảm giác dễ chịu cho người đọc. Lượng thông tin trong bài viết của ông rất lớn, gần như câu nào cũng chuyển tải những vấn đề đáng quan tâm, sau mỗi con chữ là một lượng kiến thức khổng lồ, phong phú.

Đọc bài viết của ông, độc giả không hề có cảm giác đang bị ép buộc phải học, mà thấy nhẹ nhàng như đang nghe kể một câu chuyện đẹp, có thực. Đặc điểm này chịu ảnh hưởng từ việc làm báo đối ngoại cho người Âu - Mỹ./. (còn nữa)

Nguyễn Văn Tông