Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan: Tôi say mê các đề tài Chính luận

Nhà báo Vũ Quang: Học luật, học báo chí và làm thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan khiến bạn bè, đồng nghiệp ngạc nhiên vì sức làm việc ghê gớm của một người đàn bà xinh đẹp ở mảnh đất miền trung đầy nắng gió bão bùng. Vì sao một nữ nhà báo có khá nhiều tác phẩm truyền hình chính luận sắc sảo lại có thể sáng tác thơ mãnh liệt và đằm thắm đến thế?

Và đó là lý do khiến tôi thực hiện mong muốn được trò chuyện với nhà báo nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan, người đẹp của Đài phát thanh – truyền hình Hà Tĩnh

Xin mời quý vị và bạn đọc của Doanhnghiepkinhtexanh.vn.

Bài báo đầu tiên của nhà báo Hạnh Loan được viết như thế nào?

Cám ơn anh. Anh hỏi “ nhà Truyền hình” viết báo phải không?( cười) Nếu là bài báo viết đầu tiên thì đó là bài “Bóng thông núi Tùng”, viết về Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú, đăng trên báo Thanh niên số ra ngày 26/4/2004. Đây là bài báo em rất tâm đắc, thời gian đó tôi đã bắt đầu tham gia làm cộng tác viên cho báo Thanh niên, và bắt đầu viết nhiều bài cho Thanh niên. Bài báo viết trong thời điểm Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú. Cũng rất may là hồi đó, tôi được Ban giám đốc, Ban Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh giao phụ trách tổ chức sản xuất và lên hình Chuyên mục truyền hình hàng ngày Hướng về kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú trên sóng Truyền hình Hà Tĩnh, cho nên, việc đọc và nghiên cứu tài liệu về quê hương, gia đình, truyền thống cách mạng cũng phải thường xuyên, liên tục để tìm các đề tài đáp ứng yêu cầu của chuyên mục. Sau khi bài báo được đăng, anh Nguyễn Thế Thịnh, trưởng Văn phòng Đại diện báo Thanh niên tại miền Trung có gọi điện, nói rằng bài báo của tôi được Ban biên tập báo Thanh niên khen tại giao ban. Phấn khởi lắm. Vì hồi đó tôi còn trẻ, lại lần đầu tiên tham gia viết báo. Sau này, khi đã viết nhiều cho các báo và báo Hà Tĩnh, nhưng những kỷ niệm đó vẫn nhớ mãi.

Người thầy báo chí đầu tiên của chị là ai?

Tôi có rất nhiều người thầy báo chí mà tôi luôn trân trọng và ngưỡng mộ trong cuộc đời. Họ có thể là những người thầy dạy ở trường báo chí. Nhưng cũng có thể là những đồng nghiệp xuất sắc, là các anh chị nhà báo mà tôi rất ngưỡng mộ và kính trọng ở nhân cách, trình độ và nhiệt huyết của họ đối với nghề nghiệp. Và chính họ đã truyền cảm hứng cho tôi đam mê nghề báo. Cho nên, những xúc cảm đầu tiên, kinh nghiệm đầu tiên, bài học đầu tiên đối với nghề nghiệp đó chính là những người thầy báo chí đầu tiên của tôi khi bước chân vào nghề báo, mà chính những cảm xúc, kinh nghiệm, bài học ấy có được từ những người thầy dạy và đồng nghiệp mà tôi luôn yêu quý, ngưỡng mộ.

Nhà báo mà chị ngưỡng mộ nhất là ai ?

Có rất nhiều nhà báo giỏi mà tôi không có cơ hội được sống , gần gũi và làm việc với họ. Cho nên, nhiều khi cũng biết về họ qua báo chí, sách vở mà không được tiếp xúc nên cũng khó có thể nói chính xác người mình ngưỡng mộ nhất là ai. Tôi làm truyền hình, cho nên, chỉ tiếp xúc và gần gũi nhất với các đồng nghiệp ở các đài Truyền hình Trung ương và địa phương. Ở Truyền hình Việt Nam, có nhiều người rất giỏi, nhưng tôi chỉ tiếp xúc nhiều nhất với nhà báo Nguyễn Thị Thu Hiền và nhà báo Tạ Bích Loan, do có cơ hội may mắn cùng được học tập, làm việc với các chị ấy. Có thể nói là yêu quý, kính trọng và ngưỡng mộ các chị ấy bởi nhân cách, tài năng, sắc sảo giỏi giang, sáng tạo và luôn…dịu dàng. ( cười)

Tin truyền hình đầu tiên của chị được thực hiện cùng ai?

Tin đầu tiên khi về Đài thực hiện với chú Trưởng phòng Phóng viên là Trần Vũ Thìn, viết về khai mạc Giải Sao Mai Truyền hình Hà Tĩnh năm 1999. Hồi đó là lính mới, nên được ưu tiên và kèm cặp. Rất may cái tin đó lần đầu tiên tôi viết khá trôi chảy, gần như không phải sửa và chú Thái Ngụ, Phó giám đốc Đài là người biên tập cái tin này. 17 năm rồi mà tôi vẫn còn giữ lại bản thảo làm kỷ niệm đấy.

Đâu là sự khác biệt giữa nhà báo truyền hình với nhà báo viết?

Có lẽ sự khác biệt chính là cách tư duy về đề tài. Tư duy của nhà báo Truyền hình là hình ảnh, bố cục, và kịch tính. Còn tư duy của nhà báo viết là ngôn ngữ, lập luận. Thật ra thì có nhiều người làm báo chuyển sang truyền hình tốt khi họ có tư duy về hình ảnh tốt. Nhưng , “mọi con đường đều dẫn đến thành ROME”, sự khác biệt là do đặc trưng của phương thức diễn đạt quy định, nhưng đều dẫn đến một đích cuối cùng, không khác biệt : Đó là thông điệp của tác phẩm báo chí.

Việc tự học nghề của chị được diễn ra như thế nào?

Việc tự học rất cao, bởi lẽ, xuất thân của tôi là dân Luật, chứ không phải là dân Báo chí. Về Đài 5 năm tôi mới học xong bằng 2 báo chí và sau đó hoc cao học Báo chí. Cho nên, việc học diễn ra thường xuyên trong công việc của mình, tự nghiên cứu,mày mò lối đi, học bạn bè, đông nghiệp.

Tại sao chị lại vừa làm truyền hình vừa làm thơ?

Không có ý định làm thơ đâu. Mà tự nhiên thơ đến lúc nó quay về với mình. Điều này có lý vì tôi mới trở lại làm thơ cách đây 3 năm sau hơn 10 năm gián đoạn, không viết được gì. Nhưng như tôi đã nói, cái gì đã ăn sâu vào tiềm thức thì nó sẽ ở lại mãi. Thơ ca đến với tôi không tình cờ, mà nó đã đến cách đây hơn 30 năm rồi, khi tôi mới còn là một cô bé 10 tuổi, học lớp 4,5 chuyên văn Trường Năng khiếu Thị xã Hà Tĩnh. Tôi đã làm những bài thơ đầu tiên và duy trì viết cho mãi đến sau này.

hanh-loan-1634465972.jpg
Tập thơ Sải cánh giữa chiêm bao của nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan

Đâu là sự liên kết giữa thơ và các tác phẩm chính luận của chị?

Câu hỏi rất khó. Tôi nghĩ để có các tác phẩm chính luận hay thì cũng rất phải xem trọng yếu tố nghệ thuật. Ở đây đang nói về tác phẩm Truyền hình. Nghệ thuật ở đây chính là bố cục hình ảnh, phỏng vấn, vấn đề sắc sảo mà sao cho kịch tính, hấp dẫn. Nghệ thuật ở đây chính là mang đến cho công chúng một tác phẩm hay mà nó phải gợi, phải có ý nghĩa nhân văn, chạm đến trái tim, tâm hồn, suy nghĩ của công chúng, và nó buộc người ta phải suy nghĩ và hành động theo định hướng của nhà báo. Cho nên tôi nghĩ, sự liên kết đó chính là nghệ thuật “Chạm đến trái tim”.

Chị muốn được công chúng nhớ đến mình với tư cách nào?

Tôi muốn được nhớ với tư cách Nhà báo – Nhà thơ, chứ không phải là Nhà thơ – Nhà báo. ( cười). Bởi vì, tôi trước hết là một nhà báo, và tôi chọn con đường này. Thơ chỉ là cái mà tôi dung hòa con người và công việc báo chí của mình thôi.

Chuyến đi nào đã làm thay đổi sự nghiệp của chị ?

Tôi không có chuyến đi nào như vậy cả. Chắc có lẽ, chưa đến lúc chăng? Bởi làm báo tại địa phương không có nhiều cơ hội cho những chuyến đi tầm cỡ có sức mạnh như vậy. ( cười) Nhưng đối với một phụ nữ làm báo, chuyến đi làm thay đổi sự nghiệp đó chính là đi …vào bệnh viện và sinh ra một thiên thần. ( cười) Tôi đã hai lần sinh con, và thấy rằng, con làm thay đổi công việc của mình trong một thời gian. Vì mình chỉ biết có con mà không thể dành trọn tâm huyết cho công việc khi chúng còn quá nhỏ. Đó chính là sự hy sinh mà tôi cảm thấy mãn nguyện nhất.

hanh-loan-1634465487.jpg
Nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan

Nhà thơ nào mà chị ngưỡng mộ nhất?

Nhà thơ tôi ngưỡng mộ thì có nhiều lắm. Vì mỗi nhà thơ có một phong cách khác nhau, có một lối viết hay khác nhau, nó tạo nên sự phong phú của đời sống thi ca. Nhưng có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của nhà thơ Xuân Diệu. “ Mau với chứ, vội vàng lên với chứ. Em em ơi, tình non sắp già rồi…”

Mảnh đất Hà Tĩnh có tác động thế nào đến Hạnh Loan?

Hà Tĩnh là quê hương nên gia đình, thầy cô, bạn bè đều là những người sống xung quanh tôi, cho tôi niềm vui , hạnh phúc. Hạnh Loan tự hào là người Hà Tĩnh.

Gia đình chiếm vị trí thứ mấy trong cuộc sống của Hạnh Loan?

Tất nhiên phải là số 1 rồi. Vì nếu không có gia đình, bố mẹ, chồng con bên cạnh động viên, giúp đỡ, chia sẻ thì mình không thể làm được điều gì, mình cũng không biết làm để cho ai. Gia đình chính là cái tổ ấm áp của mình, là mục đích của mình trong cuộc sống.

Đâu là sự khác biệt khi tác nghiệp ở đài địa phương với VTV?

Đó là sông nhỏ và biển lớn. Một không gian hẹp thì cũng sẽ có một môi trường báo chí hẹp. Điều cố gắng của một nhà báo địa phương khi tác nghiệp, chính là tìm thấy những đề tài có tính phổ quát, phổ biến và mang tầm quốc gia nếu như bạn muốn có những tác phẩm thi thố và đạt giải. Còn vấn đề của địa phương, thì sẽ chỉ là chuyện của địa phương mà thôi.

Điều gì chị luôn cảm thấy thiếu khi làm truyền hình?

Nhà báo làm truyền hình ít có thời gian đọc sách. Theo tôi đây là thói quen không tốt. Khi cần thông tin mới cầm quyển sách không phải là điều hay. Đây cũng là hạn chế của đội ngũ làm truyền hình chính luận hiện nay. Không chịu đọc sách và không có thói quen đọc sách. Việc tích lũy kiến thức phải mưa dầm thấm lâu.

5 năm nữa nhà báo, nhà thơ Hạnh Loan sẽ như thế nào?

Anh hỏi về báo, về thơ, hay về người ? Nếu là về báo, thì vẫn là nhà báo Hạnh Loan với niềm say mê làm các đề tài chính luận. Về thơ, thì chắc là tôi vẫn làm thơ, bởi vì cũng khó mà xóa được thơ ra khỏi tâm hồn mình. Cũng có thể lúc đó đã xuất bản thêm một vài cuốn sách. Còn về người, chắc chắn là già thêm 5 tuổi !!! (cười)

Xin trân trọng cảm ơn nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan đã dành thời gian cho cuộc trao đổi thú vị này!

Vũ Quang