Lớn lên ông được gia đình cho sang Mỹ theo học tại Đại học Harvard về ngành Kinh tế. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế của Harvard năm 1954, rồi làm việc cho Ngân hàng Thế giới (như một Nhân viên kinh tế), Tổ hợp Tài chính Quốc tế... trước khi về nước.
Năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, một bộ máy chính quyền mới soán ngôi, thành lập, trong đó có các nhân sĩ trí thức như Nguyễn Xuân Oánh được chính quyền Nguyễn Khánh trọng dụng và cất nhắc.
Từ Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, đến giữa năm 1963 ông được đề bạt làm Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Thời gian trong hai năm 1964 - 1965, ông nhiều lần được cử làm quyền Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Oánh xin từ nhiệm vì ông bị áp lực phải dành chức Tổng trưởng Nội vụ cho trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Cũng cần nói thêm, vào thời điểm này, nhiều tướng lĩnh như Dương Văn Minh (Minh Lớn), Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chính trị với những canh bạc, âm mưu lớn cho sau này.
Điều này giải thích vì sao các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sau này đều rất nể GS-TS Nguyễn Xuân Oánh. Một người từng sống thời này ở Sài Gòn cho biết: Lúc ông Oánh làm quyền Thủ tướng thì ông Thiệu mới là Trung tướng quân đội.
Năm 1968, ông gặp người đẹp Thẩm Thuý Hằng và chinh phục được người đàn bà tài sắc vẹn toàn này. Chính ông là người giúp đỡ cô lập ra hãng phim Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của Hãng Vilifilms sau này. Năm 1970, bị khuất phục trước tài năng và quyền lực của bà, ông kết hôn.
Cả hai có 4 người con trai, họ đều thành đạt trong cuộc sống, rất hiếu thảo với cha mẹ, hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài, song thường xuyên về thăm quê hương. Con út của ông là Nguyễn Xuân Ái Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm Chính sách Quy trình Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Anh cũng rất thành công với chuỗi cafe The Coffee Factory tại Sài Gòn cùng với người em trai sinh đôi là Nguyễn Xuân Quốc Việt.
Sau ngày 30/4/1975, ông ở lại tổ quốc mặc dù Mỹ đã bảo lãnh và bị quản thúc tại nhà trong thời gian 9 tháng. Sau này ông hăng hái tham gia cùng lãnh đạo trung ương, thành phố và các chuyên gia kinh tế, trí thức cũ đóng góp rất lớn công sức từ những năm bắt đầu sự nghiệp đổi mới đất nước, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, xóa bỏ quan liêu bao cấp, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư nước ngoài, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiền tệ… Ông từng là cố vấn kinh tế cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Ông đã tham mưu hàng loạt chính sách giúp chặn đứng lạm phát, bình ổn kinh tế Việt Nam giai đoạn 1989 - 1990. Sau khi chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, kinh tế Việt Nam lạm phát phi mã. Từ năm 1986, lạm phát tăng lên 300%, rồi 400%, rồi 500%. Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng lại quá thấp do bị nhà nước khống chế.
Nghĩa là đầu năm, vay của ngân hàng 1 triệu đồng, thì cuối năm trả 1,04 triệu đồng, nhưng 1,04 triệu cuối năm đã mất giá, chỉ có giá trị bằng 200 nghìn đồng vay đầu năm. Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nói với ông Đỗ Mười: Đầu năm hợp tác xã vay tiền ngân hàng để mua cả con trâu, đến cuối năm số tiền phải trả nợ ngân hàng chỉ bằng đuôi trâu.
Vậy là người dân đổ xô đi vay tiền, còn Ngân Hàng Nhà Nước thì cứ vô tư in thêm lượng tiền lớn gấp 400 lần để đổ cho dân vay, càng làm đồng tiền gần như mất hết giá trị.
Theo báo chí Mỹ, nếu Việt Nam không có từ 2 - 3 tỷ đô la Mỹ đổ vào, kinh tế sẽ phá sản. Tháng 4/1989, Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất gửi tiết kiệm lên đột biến, 14 % một tháng, trong khi lãi suất cho dân vay lại thấp hơn, chỉ 11% một tháng.
Chính sách này gặp chỉ trích từ giới kinh tế học quốc tế, vì theo lý thuyết, ngân hàng phải “mua tiền rẻ, bán tiền đắt”. Tuy nhiên, “kỳ diệu” ở chỗ, người dân từ chỗ đổ xô đi vay tiền ngân hàng, nay lại đổ xô mang tiền đi gửi tiết kiệm. Ngân hàng nhà nước thu được lượng tiền mặt khổng lồ nên giảm in tiền, đồng thời có tiền để giảm bội chi ngân sách, tăng lương cho người lao động.
Cuối cùng, lạm phát bị chặn đứng theo đúng nghĩa đen. Lạm phát từ chỗ 800%, giảm xuống còn 67% năm 1989, sang thập niên 90 thì giảm còn 1 chữ số. Kinh tế Việt Nam chính thức thoát khỏi khủng hoảng và khởi sắc trở lại.
Ông cũng được bầu vào Trung ương Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông nổi tiếng là người thẳng thắn, không sợ chỉ trích chính quyền. Ông mất ngày 29/8/2003, tại TPHCM, thọ 82 tuổi, sau cơn bệnh đau tim nặng./.