Vì sao tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của Bắc Ninh âm sâu nhất cả nước?

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, trong quý I, cả nước có 5 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP âm. Riêng Bắc Ninh (tỉnh mạnh về sản xuất công nghiệp) có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước (-11,85%). Tổng cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết, tăng trưởng quý I của Bắc Ninh giảm sâu chủ yếu do khu vực công nghiệp sụt giảm. Các ngành này tăng trưởng âm, thậm chí âm rất nhiều như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I/2023 của Cục thống kê Bắc Ninh, hiện nay, chi phí đầu vào cho nhiều ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức cao. Bên cạnh đó, tổng cầu thế giới vẫn ở mức thấp làm giảm các đơn đặt hàng, đây là thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu của Bắc Ninh.

Tính chung quý I, IIP giảm tới 18,67%. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tới 18,79%.

Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, có 15 ngành có chỉ số IIP giảm, một số ngành có mức giảm nhiều như: Sản xuất trang phục (-33,68%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-28,49%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-24,41%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-47,98%); Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-19,59%).

Cũng trong quý I, có 18/23 sản phẩm chủ yếu của tỉnh bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó 100% các sản phẩm trọng điểm của tỉnh đều giảm, giảm nhiều nhất là sản phẩm máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối (-46,6%); tiếp theo là pin điện thoại các loại (-30,47%); đồng hồ thông minh (-29,95%). Đặc biệt, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học sụt giảm nhiều (-35,93%).

ttxvn-2911songhong2-1680594925.jpg

Ảnh minh họa.

Động lực kinh tế của Bắc Ninh trong nhiều năm nay là khu vực FDI, khu vực doanh nghiệp trong nước nhỏ bé và rất manh mún. Khi khu vực FDI gặp trục trặc dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp của tỉnh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đã xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý, đầu tư công của Bắc Ninh cũng rất "đì đẹt" như không ít địa phương khác. Đến hết quý I, vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân chỉ hơn 12% kế hoạch vốn năm 2023. “Chưa thấy lối thoát cho vốn đầu tư công” là báo cáo của ngành thống kê tỉnh nhìn nhận.

Quý I/2023, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 668 doanh nghiệp, thấp hơn so với số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 731 (tăng gần 46%) và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 12%)./.

Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đã xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân, do nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu sản phẩm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của tỉnh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, cùng với đó là việc thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Trong bối cảnh đó, báo cáo cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tích cực thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, mở rộng đối tác, đồng thời cũng cần có những chính sách hỗ trợ thích hợp của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thi Nguyên (t/h)