Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ: “Ông cố vấn” của chương trình xây dựng nông thôn mới

Suốt cuộc đời “làm quan”, ngoài việc gắn với công tác phòng chống thiên tai, thì ông “dính chặt” với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
a7-1693647077.jpg
Niềm vui nhỏ của “Bộ trưởng nông dân” Lê Huy Ngọ trên gác thượng nhà riêng.

Với 4 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (các khóa: VI, VII, VIII, IX), giữ các cương vị chủ chốt từ Trung ương đến địa phương, nhưng vị trí ông để lại nhiều dấu ấn nhất là giai đoạn làm “tư lệnh” ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Từ tình cảm chân thành, nhiều người thân mật gọi ông là “Bộ trưởng nông dân”, “Bộ trưởng lụt bão”. Ông là Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương, đồng thời cũng là “Ông cố vấn” của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người đi trong bão lũ

Cái duyên cho tôi gặp ông thật tình cờ, nhưng cũng là hợp lý. Ấy là vào tháng 10/2020, thời điểm “khúc ruột” miền Trung chìm trong bão lũ; ám ảnh hơn bởi những trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, tôi được giao thực hiện phỏng vấn nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ. Cứ ngỡ chỉ một lần gặp, nhưng từ cái lần đầu tiên ấy, tôi và ông như thành bạn vong niên. Ông gọi tôi là “Lão” – xưng “Mình”; tôi gọi “Ông Lão”.

Lần gặp nào cũng vậy, Ông Lão đón tôi với màu áo nâu sồng, nom giống một lão nông hơn là một cán bộ cấp cao về hưu. Đã bước sang tuổi 86, nếu không biết thì chẳng ai nghĩ ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ) giai đoạn 1986 - 1988, sau về quê nhà làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1988 – 1991), rồi được Bộ Chính trị điều động làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương (giai đoạn 1991 – 1997). Tháng 9/1997, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương, nay là Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT); Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thường trực ở ông là nét mặt buồn, trông khắc khổ; cái giọng ồm ồm vùng miệt biển phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn quê ông vẫn khá rõ nét, dù hơi yếu do tuổi tác. Ông bảo, nói to quen rồi, giờ nhiều lúc cũng phải gân sức lên mới nói to được như xưa. Nhớ ngày còn công tác, khi trực tiếp đi chống lụt bão, nếu không nói to át đi mưa gió thì làm sao chỉ đạo được.

- Ông Lão này, dường như cái sự nghiệp “làm quan” của Ông Lão gắn liền với bão lũ ấy nhỉ?

- Ờ, cũng có sự trùng lặp đấy. Khi ở Ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú, mình đã đối mặt với trận lũ lụt đầu tiên năm 1971. Mùa Hè năm 1988, về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thì 1 năm sau, Thanh Hóa bị trận bão nặng nề nhất trong lịch sử địa phương - cơn bão số 6 năm 1989. Vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (ngày 29/9/1997) thì đã phải đương đầu với siêu bão Linda (bão số 5, tháng 11/1997) - là một trong những cơn bão mạnh nhất ập vào Tây Nam bộ trong vòng 100 năm qua. Sau bão Linda là trận “đại hồng thủy” ở miền Trung năm 1999, kế đó là lũ năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long; rồi cuộc chiến với lũ quét ở Du Tiến, Du Già tỉnh Hà Giang năm 2004…

Tháng 3/2023, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã tổ chức giới thiệu cuốn sách “Người đi trong bão lũ”. Cuốn sách là tình cảm của các nhà khoa học, nhà quản lý và các phóng viên, nhà báo trên mọi vùng miền đối với cho ông Lê Huy Ngọ.

Có lẽ, trong suốt quá trình công tác, từ Bí thư Tỉnh ủy cho đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Ông Lão chẳng nhớ hết đã bao nhiêu lần đi qua bão lũ. Nhưng số liệu tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai vẫn ghi rõ, chỉ tính trong 10 năm công tác tại Bộ NN&PTNT, với cương vị là Bộ trưởng - Trưởng ban phòng, chống lụt bão, ông Ngọ đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả 67 trận thiên tai khác nhau ở hầu khắp các vùng miền tổ quốc. Về hưu đã ngót ngét gần 17 năm, ông vẫn đau đáu nhiều ưu tư.

a4-1693647019.jpg
Ông Lê Huy Ngọ trong căn phòng làm việc riêng đầy ắp kỉ niệm.

“Nói là về hưu chứ thực ra, lúc nào đâu óc mình cũng nghĩ tới bão lụt, lúc nào có bão là thấy sốt ruột, nó trở thành nếp sống rồi. Họ nói mình là Bộ trưởng có khuôn mặt buồn cũng đúng. Thú thật là vui làm sao được vì mình trải nghiệm quá nhiều cơn bão, nhìn thấy quá nhiều cảnh người dân khốn khó sau bão, nó trở thành ám ảnh”, Ông Lão thở dài nói.

Nỗi niềm “Ông cố vấn”

Ông Lão bảo, suốt cuộc đời “làm quan”, ngoài việc gắn với công tác PCTT thì ông “dính chặt” với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đi lên từ anh cán bộ Ty Nông nghiệp rồi làm Trưởng Ty, lên làm Chủ tịch UBND tỉnh (1982 – 1986) rồi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (1986 – 1988), ông đau đáu với “tam nông” bởi đời sống của người nông dân khổ quá, sản xuất nông nghiệp thì manh mún, diện mạo nông thôn lại tiêu điều. Nỗi niềm đó ông mang theo khi Trung ương điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa – địa phương có nền kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.

Ôm nỗi niềm từ cơ sở về Bộ NN&PTNT, Ông Lão quyết làm nên một sự thay đổi đột phá về “tam nông”. Làm mới nông thôn là cách bù đắp được phần nào sự thiệt thòi của người nông dân, để sản xuất nông nghiệp phát triển. Bởi vậy, khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng, bên cạnh khảo sát thực tiễn trong nước, Ông Lão dành thời gian đi nghiên cứu ở Hàn Quốc, Nhật Bản; ý tưởng xây dựng nông thôn mới (NTM) được “thai nghén”. “Tư lệnh” ngành Nông nghiệp đã cho làm thử NTM năm 2001 - 2005, đầu tiên là ở cấp thôn, làng; sau đó phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương triển khai ở cấp xã.

a5-1693647355.jpg
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tặng hoa ông Lê Huy Ngọ tại buổi lễ ra mắt cuốn sách “Người đi trong bão lũ tháng 3/2023.

Sau 03 lần thí điểm NTM, vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm, bộ nhận diện NTM từng bước định hình thành, làm cơ sở để Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách triển khai trên phạm vi cả nước. Đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/08/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; tiếp đó là Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phê về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020…

Đặc biệt, với Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 về việc ban hành Bộ tiêu chí NTM quốc gia, lần đầu tiên, diện mạo nông thôn cả nước đã được định hình phát triển theo một bộ tiêu chí thống nhất. Đây là một trong số những chương trình MTQG có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong giai đoạn 2007 đến 2017, ông Lê Huy Ngọ là cố vấn của Chương trình MTQG xây dựng NTM.

a6-1693647413.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tặng hoa ông Lê Huy Ngọ tại buổi lễ ra mắt cuốn sách “Người đi trong bão lũ tháng 3/2023.

Thực hiện chương trình này, từ những ngày đầu với các mô hình thí điểm của ông Ngọ, đến nay bộ mặt nông thôn cả nước đã hoàn toàn thay đổi. Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM; 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM.

- Mình không thể quên những lần về thăm và làm việc ở các xã NTM. Bà con kéo mình đi thăm làng quê sáng, xanh, sạch, đẹp. Đi trên con đường mới làm, nhìn những cột điện mới dựng, đến các nhà văn hóa, nhà trẻ mẫu giáo mới xây, thăm những cánh đồng mẫu lớn, những trang trại sản xuất tiên tiến của nông dân, những làng nghề được phục hồi, mình sướng lắm – Ông Lão vỗ đùi đánh đét một cái rõ to.

a1-1693647464.jpg
Tác giả trò chuyện cùng ông Lê Huy Ngọ tại nhà riêng của ông.

Vui đấy, ông lại buồn ngay. Ông bảo, trong xây dựng NTM, có một số địa phương còn chạy theo thành tích, nợ đọng xây dựng cơ bản, người nghèo cùng phải đóng góp xây dựng... Rồi còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền trong kết quả xây dựng NTM; trong đó, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn “hụt hơi”. Vấn đề đặt ra là phải quan tâm để phát triển hài hòa và bền vững, không để ai ở lại phía sau.

Trước khi kết thúc câu chuyện về NTM, “Ông cố vấn” bày tỏ niềm tin về hành trình làm thay đổi diện mạo nông thôn nước ta. Ông bảo, dù còn nhiều khó khăn, nhất là các xã còn lại chưa đạt chuẩn do nhiều điều kiện cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng nếu có những điều chỉnh tiêu chí mỗi vùng miền cho phù hợp thì chúng ta sẽ đi nhanh trong xây dựng NTM. Điều chỉnh không có nghĩa là hạ tiêu chí mà cần phải có hệ thống tiêu chí hợp lý để đạt được yêu cầu NTM. Đặc biệt phải lưu ý chỉ tiêu đánh giá quan trọng nhất hiệu quả của Chương trình là sự hài lòng của người dân - Người dân làm chủ - Người dân tự đánh giá về NTM. Dân làm chủ thể nghĩa là dân biết, dân làm, dân giám sát và dân được hưởng thụ thì nhất định tất cả các xã sẽ “cán đích”.

“Mình nghĩ trong xây dựng NTM cần có thêm tiêu chí về sự hài lòng, về hạnh phúc của người dân. Hài lòng, hạnh phúc ở đây trước hết là cuộc sống an toàn của người dân trước thiên tai”.
Sỹ Hào