Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 25 hộ ở 11 xã, thuộc 7 địa phương gồm: Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Thạnh Hóa, Châu Thành và TP. Tân An với tổng số lợn đã tiêu hủy là 485 con.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn hiện nay chủ yếu là do mầm bệnh cũ đang tồn tại và phát tán trong tự nhiên, rất dễ lây lan. Trong khi đó, dịch bệnh này đến nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa nên nguy cơ bùng phát là rất cao. Mặt khác, phần lớn hộ chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; một số hộ chăn nuôi không kịp thời báo cho chính quyền địa phương khi lợn xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh.
Cũng theo bà Đinh Thị Phương Khanh, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp các địa phương để triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung theo hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan liên quan. Đối với các ổ dịch phát hiện được vẫn thực hiện tiêu hủy, khử trùng theo quy trình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đồng thời, ngành tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi chú trọng vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại chuồng trại nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; ứng dụng các quy trình chăn nuôi an toàn; chủ động giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời báo ngành chức năng xử lý khi có ổ dịch phát sinh...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thời gian qua, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định. Trong năm 2021, người chăn nuôi lợn trên địa bàn đã tái đàn chăn nuôi với tổng đàn đạt trên 85.000 con, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, những tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống tăng cao nên nhiều người hiện vẫn đang rất e ngại tái đàn./.