Trong báo cáo về hoạt động thương mại điện tử mới đây của công ty phân tích thị trường DPD Group, Việt Nam được xác định là thị trường sôi động bậc nhất Đông Nam Á ở nhiều khía cạnh.
Đơn cử về số lượng đơn hàng online được đặt mua trong năm 2021, một người Việt trung bình sẽ "lên" khoảng 104 đơn hàng, cao hơn hẳn so với các quốc gia láng giềng và gấp đôi so với "Xứ Sở Vạn Đảo" Indonesia. Trong đó, mặt hàng được yêu thích tại Việt Nam là nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và các sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép…
Các kênh bán hàng trực tuyến đã được thúc đẩy một cách gián tiếp trong giai đoạn giãn cách vì đại dịch COVID-19. Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Thực tế này là cơ sở để các chuyên gia tin rằng thị trường thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhất là khi hoạt động logistics đã gần như trở lại bình thường so với trước dịch.
Khi thương mại điện tử phát triển, các nhà bán hàng và doanh nghiệp sẽ ngày càng sở hữu tập khách hàng lớn hơn, ngày càng nhiều dữ liệu cần xử lý và lưu trữ trên các trang bán hàng trực tuyến hơn. Nhiều doanh nghiệp dường như đã sẵn sàng với các hạ tầng công nghệ tập trung phục vụ cho sự bùng nổ này của thương mại điện tử ở Việt Nam.
"Chúng ta đổi mới về công nghệ, cách bán hàng, tiếp cận. Chúng ta không thể sử dụng công cụ một cách thô sơ được. Có rất nhiều công ty cung cấp giải pháp đó, đó là công cụ giúp người bán hàng chuyên tâm sản xuất, bán ra những sản phẩm tốt", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết.
Như vậy có thể thấy người Việt Nam cực kỳ yêu thích việc mua sắm online và hiện đang dẫn đầu khu vực về nhiều chỉ số. Theo một báo cáo khác từ Statista thì hiện tại Việt Nam đang sở hữu thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Bên cạnh đó, ngân sách được chi cho các đơn hàng online của Việt Nam cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Trong khi lượng khách hàng dành ra dưới 1 triệu đồng để mua sắm trực tuyến đã giảm (từ 26% năm 2019 xuống chỉ còn 16% năm 2020) thì tỉ lệ người tiêu dùng mua sắm 1-3 triệu đồng, 3-5 triệu đồng và trên 5 triệu đồng được ghi nhận tăng đột biến.
Đối tượng khách hàng của các nền tảng online tại Việt Nam có độ tuổi trung bình rơi vào khoảng 36 tuổi. Đây chính là lời giải đáp cho lý do vì sao ngân sách cho mua sắm online tại Việt Nam đang ngày một phình to
Vậy lý do gì khiến người Việt chuyển sang hình thức mua sắm nhiều như vậy? Câu trả lời chính là vì người tiêu dùng tại Việt Nam "nghĩ rằng" việc mua sắm online sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí.
Cũng trong báo cáo của DPD Group, có đến 73% khách hàng cho biết họ nghĩ các mặt hàng được rao bán trên chợ online là rẻ hơn so với các cửa hàng truyền thống. Trong khi đó chỉ có 26% quyết định mua hàng vì được miễn phí chi phí vận chuyển, con số này thấp hơn nhiều so với Malaysia và Singapore với 47%.
"Tuy nhiên ngoài lợi thế giá bán, trải nghiệm mua sắm, đổi trả... hiện đang không phải là ưu tiên hàng đầu của các nền tảng thương mại điện tử và rất cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới", DPD Group cho biết.