Là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao”. (Trích lời tựa của Cao Xuân Hạo cho bộ sách Chuyện Đông - Chuyện Tây của học giả An Chi)
An Chi là ai vậy? Hành phương Nam, đột ngột nhận tin chẳng lành. Học giả An Chi vừa mất. 87 tuổi thọ! Như đương hôi hổi những ấn tượng chưa phai cái buổi trưa tháng mười năm 2017 ở đường sách Nguyễn Huệ, học giả An Chi ánh mắt đồng bộ với cái cười hom hóm cố hữu nhiệt thành giao lưu cùng bạn đọc. Luôn tay bận rộn với chữ ký theo yêu cầu của người mua sách, lại tranh thủ xẻ chia với cả những tò mò...
Chắp nối lại vài lần gặp hiếm hoi cùng bộc bạch của người vốn kiệm lời, tôi hình dung ra một chàng trai An Chi thưở ấy có tên là Võ Thiện Hoa tròn 20 tuổi. Thuở ấy là mùa hè năm 1955, các đợt cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã dừng hẳn. Nhưng vẫn có những người hiếm hoi vượt tuyến. Vượt sông Bến Hải lối thượng nguồn Trường Sơn vào một đêm mưa.
Trong cái bòng tòn ten mà chàng trai Võ Thiện Hoa mang bên mình có ém kỹ lá thư viết tay của một yếu nhân cách mạng miền Nam. Thơ ấy giới thiệu Hoa ra Bắc cần gặp những đồng chí X Y. Thư của ông Phan Kiệm, khi đó là Phó Bí thư Khu Ủy Sài Gòn - Gia Định gởi các đồng chí miền Bắc cố gắng bố trí cho con trai của một cơ sở cách mạng tin cậy việc học hành, đào tạo... Lá thư đó vẫn được ém kỹ... Cho đến tận thời điểm sau 1975, nó mới được người giữ lá thư trao lại cho con gái của đồng chí Phan Kiệm. Đây là thư của Cậu Năm (Bí danh của ông Phan Kiệm) cháu giữ làm kỷ niệm!
Như người khác thì coi lá thư là thứ bảo bối, như bùa hộ mệnh. Nhưng chàng trai Sài thành ấy đã ngó lơ! Võ Thiệu Hoa chỉ xuất trình những giấy tờ hợp pháp của việc vượt tuyến... Xã hội miền Bắc khi ấy có bao thứ lạ lẫm, tò mò. Chàng trai Võ Thiệu Hoa dường như muốn thử sức. Anh tình nguyện gia nhập đội ngũ Thanh niên xung phong hết Hà Nội lại tình nguyện lên Tây Bắc tham gia tích cực phong trào kiến thiết cuộc sống mới hòa bình. Rồi hai năm sau, anh được cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương. Tốt nghiệp, năm 1959 anh giáo sinh Võ Thiện Hoa được điều về dạy học ở Thái Bình.
Hơn 5 năm trời. Dằng dặc cái thời Ngày Bắc đêm Nam từ năm 1959 đến năm 1965. Nhưng không hề suông nhạt vô vị bởi anh giáo trẻ dạy văn sử Võ Thiện Hoa đã tìm thấy niềm say mê ở một địa hạt mới. Mà lãnh địa ấy với nhiều người nó dường như xa lạ thậm chí khó hiểu, ngôn ngữ học!
Ít người biết được, hồi còn đi học ở Sài Gòn, cậu bé Võ Thiện Hoa rất khoái môn chính tả tiếng Việt. Ra Bắc, thời gian ở sư phạm Thái Bình ông tình cờ may mắn tìm lại được cuốn Chánh tả Việt ngữ của tác giả Lê Ngọc Trụ cuốn sách mà cậu Hoa thấy từ năm 15 tuổi. Như sau này ông bộc bạch là thích ngôn ngữ, yêu tiếng Việt từ thuở ấy.
Thời gian dạy văn ở trường sư phạm Thái Bình do không được đào tạo bài bản, sách vở nghiên cứu thiếu, muốn đi Thư viện thâm khảo người ta nói phải có bằng đại học thì mới được nên anh giáo Võ Thiện Hoa thấy có chút chông chênh! Những cuốn vở tập học trò mỏng mảnh nhưng dày cộp những ghi chép của anh giáo Võ Thiện Hoa về ngữ pháp, về từ láy. Và cả từ nguyên. Với Hoa đơn giản anh thích từ nguyên do muốn tìm căn nguyên của tiếng Việt. Hồi đó sách ngữ pháp rất ít, mà lúc dạy vướng nhiều điều khúc mắc.
Hoa đã mạnh dạn bạo gan thì đúng hơn đã viết hẳn một bài góp ý về ngữ pháp (trao đổi về khái niệm tân ngữ trực tiếp - gián tiếp) cho một tạp chí khoa học xã hội. Lại cũng ít người biết, thời gian ở Thái Bình, Võ Thiện Hoa đã cạy cục nhờ người quen mua bằng được quyển Hạ trong bộ từ điển Từ Hải. Mày mò đọc từng chữ trong đó, xem có gì có thể liên hệ với từ nguyên trong tiếng Việt, dần dần tích lũy. Hồi đó Hoa đã dám dùng cả ba quyển thượng - trung - hạ của Khang Hi từ điển, 36 tập. Kiến thức ấy đã chắp cánh cho học giả An Chi sau này làm cuốn Từ điển từ nguyên nôi tiếng.
Ủa cái thằng cha này sao kỳ? Hổng có tính đường vợ con chi ráo trọi? Lại đâm vào đường nghiên cứu làm gì? Bạn bè và cả bậc chú bác tập kết xa xôi bóng gió với Hoa. Việc dạy bị bê trễ do giành nhiều thời gian đọc sách nghiên cứu. Từ năm 1966 đến năm 1968, Hoa bị điều đi làm tạp vụ ở nhà ăn của Trường bồi dưỡng cán bộ giáo viên tỉnh Thái Bình. Từ năm 1969 đến năm 1972, đi học lớp chính trị ở Trường 20 - 7 của Bộ Nội vụ, sau đó học nghề thợ nguội và thợ tiện ở Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, Hà Nội. Từ năm 1972, Hoa chuyển lên Tam Đảo phụ trách thư viện Trường học sinh miền Nam số 8.
… Đám hiếu của một bậc cao lão phương Nam, hình như bớt đi không khí bi lụy lâm khốc của phường bát âm. Cái phong bì phúng điếu dường như vẫn đương cựa quậy vì tang chủ miễn chấp! Con ngõ hẹp dẫn vô nhà cụ An Chi kê tạm mấy cái bàn trà nước toát lên vẻ ấm cúng, gụi gần. Nhờ vậy mà tôi có chút rảnh rang để nối thêm câu chuyện với những cuộc gặp tình cờ. Trong tốp khách đến viếng có ông Nguyễn Phước Long. Ông Long kể nhiều về thời gian ở Trường Học sinh Miền Nam số 8 Vĩnh Yên. Về anh thủ thư Võ Thiện Hoa ít nói hiền lành nhưng là thứ dữ! Dữ là cách nói về kiến thức uyên thâm sâu rộng. Vậy nên một thời gian dài vừa trông coi thư viện Trường Học sinh miền Nam nhưng thủ thư Võ Thiện Hoa được nhà trường cất nhắc làm giáo viên dạy văn, sử. Cứ như chuyện của ông Long, thủ thư Võ Thiệu Hoa thời gian ở trường đã giành nhiều thời gian tâm sức cho lãnh địa ngôn ngữ học mà ông từng đeo đuổi, say mê!
Tháng 8 năm 1975 Võ Thiệu Hoa về Nam công tác ở Phòng Giáo dục quận I. Ông được đề bạt chức Hiệu trưởng. Nhưng ông chỉ xin làm phó và chờ người thay. Có lẽ hồn vía ông đã gởi ở địa hạt nghiên cứu cùng con chữ. Sau 9 năm công tác ông xin về hưu non tập trung vào việc nghiên cứu và nuôi chim kiểng. Có lẽ sớm hơn thời gian trước hưu, bút danh An Chi đã xuất hiện.
Bên bàn trà chỗ ngõ hẹp, tôi cũng được chuyện thêm với chị Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, một địa chỉ mà học giả An Chi từng tin tưởng ký thác, gửi gắm nói như GS Cao Xuân Hạo là bao thứ thanh tao. Tày tặn xôm tụ những Chuyện đông Chuyện Tây Rong chơi miền chữ nghĩa... Quá tuổi bát tuần, bộ sách công phu “Rong chơi miền chữ nghĩa”. Tập 5 mới được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành cuối tháng 9/2022!
Chị Thủy ôn lại thời gian được làm việc với học giả An Chi - chị Thủy hít hà rằng - bác An Chi không hề khoái ai đó gọi mình là học giả mặc dù rất nổi danh! Không bằng cấp cao, không danh phận lớn. Bản thảo kỹ càng sạch sẽ chặt chẽ uyên thâm của bác như nhắc chúng tôi một chữ biên tập cũng phải cẩn trọng cũng phải được cùng bác trao đổi.
Ngồi bên chị, có chị Liên từng biên tập cuốn Truyện Kiều bản Duy Minh thị của học giả An Chi. Chị Liên bộc bạch được cộng tác với bác là thời gian ấm áp và rất hứng khởi trong công việc. Tôi cũng được khẽ khàng nắm nhẹ bàn tay của bác gái. Người bạn đời của học giả An Chi mà có lần ông bộc bạch rằng tôi có làm được chút chi đó cũng là công sức của bả… Mãi đầu những năm 80 ông mới được làm bạn cùng bà…
Hồi nãy, khi báo tin buồn cho thày giáo chúng tôi, GS nhà ngôn ngữ học Đinh Văn Đức thì GS ngậm ngùi nhắc lại một nhận xét khác cũng của GS Hạo rằng, “An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này”. Bao giờ mới tìm ra người biết chẻ chữ ra cho thiên hạ hiểu như thế?
Chia tay ông Long lại biết thêm ông lại chơi thân với Cao Văn Dũng bạn cùng Trường học sinh miền Nam số 8 Vĩnh Yên. Năm 1972, Cao Văn Dũng cùng nhập học Khóa 17 Văn Ngữ Hán Nôm cùng với người viết bài này ở Sát Thượng Yên Phong Hà Bắc. Dũng sau này chính là nhà nghiên cứu Hán Nôm tài danh Cao Tự Thanh!
Nghĩ chút ngồ ngộ. Xứ Nam Bộ Sài Gòn có hai người con trên đất Bắc đều ở Trường Học sinh Miền Nam số 8 Vĩnh Yên là Võ Thiệu Hoa (sau này là họ giả An Chi) và Cao Văn Dũng (sau là nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh) Cả hai vị chuyên môn có khác nhau mỗi người mỗi nghề nhưng đều bằng con đường tự học tự nghiên cứu và đều thành đạt cùng danh tiếng./.