Người Mỹ chưa “giật mình” trước đà tăng giá thực phẩm, đồ uống

Giá thực phẩm và đồ uống đang tăng, nhưng các lãnh đạo của những công ty lớn trong ngành cho biết, người tiêu dùng vẫn chưa phải trả nhiều tiền hơn cho thức ăn đồ uống mà họ mua.

Lạm phát đã khiến nhiều công ty thực phẩm và đồ uống tăng giá bằng cách thu nhỏ khối lượng đóng gói, cắt giảm khuyến mại hoặc tăng phí tại các cửa hàng tạp hóa. Nhưng các công ty phải cân bằng một cách tinh tế, tăng giá đủ để bù đắp chi phí cao hơn mà không khiến sản phẩm trở nên quá đắt đối với người tiêu dùng, những người luôn sẵn sàng chuyển sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Ông Ramon Laguarta, Giám đốc điều hành của công ty nước giải khát PepsiCo cho biết: “Chúng tôi cảm thấy hài lòng về cách người tiêu dùng trung thành với thương hiệu Pepsi, bất chấp một số quyết định điều chỉnh về giá của chúng tôi”.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 1/2022, chỉ số giá sản xuất của Mỹ (PPI) đã tăng 1% so với tháng trước đó. Chỉ số này theo dõi mức tăng chi phí của các nhà sản xuất trong nước đối với hàng hóa. Đối với thực phẩm, chỉ số này tăng 1,6% so với tháng 12/2021 và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng thực phẩm trong tháng 1/2022 tăng 0,9% so với một tháng trước đó và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều người dân đã có nhiều tiền mặt hơn để chi tiêu sau khi nhận được các khoản cứu trợ của Chính phủ liên quan đến đại dịch COVID-19 và thay đổi các hành vi khác, chẳng hạn như đi du lịch và hạn chế đi ăn bên ngoài hơn.

dbb8c4a0-0208-4d39-aecf-e85cc988076a-1645835685.jpeg
Ảnh minh hoạ

Các thước đo lạm phát này được đưa ra trước khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) gia tăng, khiến giá dầu và khí đốt, kim loại và ngũ cốc - tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga- tăng vọt. Giá nhôm đạt mức cao kỷ lục 3.450 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London phiên 24/2.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều tự bảo vệ mình trước những đợt tăng đột biến trong ngắn hạn của giá hàng hóa, cho dù tại thời điểm này, vẫn chưa rõ cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ kéo dài bao lâu và khi nào người mua hàng sẽ bắt đầu cảm thấy khó khăn.

*Sự xuất hiện của những “vết nứt”

Hôm 24/2, Procter & Gamble (P&G), công ty sản xuất các mặt hàng tiêu dùng chủ lực như bột giặt Tide và tã giấy Pampers, bày tỏ sự thận trọng khi nói về khả năng đối phó với lạm phát gia tăng.

Giám đốc tài chính Andre Schulten của P&G cho biết: “Mặc dù còn quá sớm để tuyên bố thành công, với sức mạnh của danh mục đầu tư, lợi nhuận từ cổ phiếu và kết quả đầu tư vào thị trường, chúng tôi đang ở điều kiện tương đối tốt để có thể thực hiện định giá”.

P&G đã tăng giá 10 mặt hàng tại thị trường Mỹ, ảnh hưởng đến khoảng 80% doanh số bán hàng tại thị trường nội địa. “Gã khổng lồ” ngành hàng tiêu dùng này có thể có cách tiếp cận đúng đắn, cảnh báo các nhà đầu tư rằng con đường phía trước có thể có những va vấp.

Nhà phân tích Nik Modi của ngân hàng RBC Capital Markets nhận định, số tiền mà hầu hết người tiêu dùng đang sử dụng có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và sự linh hoạt đang bắt đầu trở lại mức trước đại dịch. Theo ông, với lạm phát và giá xăng đang leo thang, “túi tiền” của thị trường đang bị thu hẹp. Ông Modi nêu rõ, người tiêu dùng đang dần chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn.

Walmart, chuỗi siêu thị lớn nhất ở Mỹ, cho biết người mua sắm đang chú ý đến việc giá cả tăng và lạm phát, ngay cả khi điều đó chưa thể hiện trong hành vi của họ. Giám đốc tài chính của Walmart, Brett Biggs cho biết, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lương tăng và tiết kiệm hộ gia đình cao hơn trong thời kỳ đại dịch có nghĩa là người tiêu dùng trung lưu vẫn ở trong tình trạng có thể chi tiêu tốt.

Nhà sản xuất bia Miller Lite Molson Coors Beverage cũng có chung suy nghĩ đó. Công ty này đã tăng giá sản phẩm từ 3-5% vào tháng Một và đầu tháng Hai năm nay, sớm hơn mức tăng thường lệ vào mùa Xuân và ở mức cao hơn một chút so với mức tăng thông thường.

*Dự báo đa chiều

Ngay cả khi người tiêu dùng chưa né tránh tình trạng giá hàng hóa tăng cao, một số doanh nghiệp đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích về việc tăng giá để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của họ.

Ví dụ, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một đảng viên Đảng Dân chủ của bang Massachusetts, đã "phàn nàn" Tyson Foods vì việc công ty thực phẩm này tăng giá vượt quá mức cần thiết, đem lại mức lợi nhuận tăng gấp đôi trong quý đầu tiên của năm tài chính hiện tại.

Tyson Foods đã chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bởi họ cho rằng việc hợp nhất trong ngành đóng gói thịt đã khiến giá thịt bò, thịt gà và thịt lợn tăng trong những năm gần đây.

Nhưng Tyson đã bảo vệ hành động của mình. Công ty này cho biết, các nhà kinh tế và các nhà phân tích trong ngành đã xác nhận rằng giá thịt cao hơn hiện nay là kết quả trực tiếp của nguồn cung hạn chế do tình trạng thiếu lao động, chi phí đầu vào cao hơn và nhu cầu của người tiêu dùng mạnh hơn.

Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu Conference Board (Mỹ) mới đây cho biết khảo sát của họ với hơn 1.600 quản lý doanh nghiệp, trong đó có hơn 900 giám đốc điều hành các công ty lớn trên toàn cầu, cho thấy giới doanh nghiệp rất lo ngại về tình hình giá cả tăng vọt trong năm 2021 vừa qua, đồng thời nhận định rằng áp lực này sẽ còn đó ít nhất cho đến giữa năm 2023.

Còn bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng lạm phát cao của nước Mỹ hiện nay, nhất là trong bối cảnh các dự báo đều cho thấy giá cả sẽ còn tăng cao trong nửa đầu năm 2022.

Về phần mình, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hồi tháng 1/2022 lại nhận định lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II/2022. Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, bà Georgieva cho rằng điều đó liên quan đến việc giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng và đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy một số tiến triển đã đạt được./.