Rất nhiều người quen và thuộc bài thơ “Mùa hoa cải” của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng, mà nhạc sĩ Lê Vinh đã phổ nhạc, với giai điệu tha thiết, thấm đẫm tình người, tình yêu đôi lứa: “Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đương thì con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng…”.
Bài thơ “Mùa hoa cải” của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng nói thay tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của bao đôi lứa yêu nhau thời chiến, khi người phụ nữ chôn chặt trong lòng mình sự nhớ nhung, lòng chung thủy chờ những người chiến sĩ trở về. Trong khi đó, người chiến sĩ vì nước ra trận có thể hi sinh bất cứ lúc nào, nhiều người phải nằm lại trên mảnh đất chiến trường ác liệt, để lại biết bao mối tình còn dang dở.
Bà Nghiêm Thị Hằng sinh năm 1955, có quê nội ở làng Cổ Nhuế (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Tuổi thơ của bà chủ yếu lớn lên tại quê ngoại, làng Kim Xa, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà từng là quân nhân của Đoàn 559, làm việc ở nhà in Báo Trường Sơn, do nhà báo Lục Văn Thao làm Tổng biên tập, từng biết và làm việc cùng các tên tuổi như Phạm Tiến Duật, Lê Lựu… Bà xuất ngũ năm 1978, trở thành phát thanh viên Đài phát thanh Việt Trì, Đài phát thanh Hà Nội. Sau đó bà tham dự khóa 2 Trường viết văn Nguyễn Du, tốt nghiệp và về công tác tại Báo Nông nghiệp Việt Nam năm 1986.
Trong câu chuyện của mình, bà Hằng tâm sự: “Tôi bén duyên với thơ bởi sự nặng tình, càng đa tình, đa cảm, càng có duyên nợ với thơ. Với phụ nữ, thơ là tình cảm, chuyện trong nhà, còn chuyện ngoài xã hội là của nhà báo. Làm thơ trước hết là cho mình, không phải để chạy đua in tuyển tập…”. Tuy vậy, bà sáng tác thơ rất đều, đã xuất bản được 5 tập thơ, thơ của bà tự thân đã có nhạc, nên bà được đánh giá là tác giả có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất, với 200 bài được phổ nhạc. Bà từng cho ra mắt Album gồm 11 bài hát phổ thơ của bà, mang tên “Mùa hoa cải”, trong đó có các ca khúc quen thuộc như: Chợ Chờ, Lời du đưa nôi, Lời tỏ tình của biển, Mưa chiều xứ Huế, Bến không chồng…
Về xuất xứ bài thơ Mùa hoa cải, bà Hằng kể: Năm bà học lớp 8, được chọn làm “giao liên” đưa thư tình giữa ông Trần Văn Đính và người yêu là bà Phùng Thị Thức. Bà là người chứng kiến buổi chia tay giữa ông Đính và bà Thức, vào một chiều đầu đông, bên bến sông rực vàng màu hoa cải. Ông Đính lên đường nhập ngũ, vào Nam và hi sinh, để lại lời thề đang còn dang dở bên bến sông quê. “Chứng kiến toàn bộ chuyện tình của họ, tôi vô cùng thương xót, cảm thông và đó chính là mạch nguồn cảm xúc, để tôi sáng tác nên bài thơ Mùa hoa cải. Bài thơ được nhiều người biết đến, nhất là thời điểm đó biết bao đôi trai gái phải chia li vì chiến tranh. Người hi sinh ngoài chiến trường, người ở lại trần thế với bao khắc khoải, khổ đau…” – bà Hằng ngậm ngùi nói.
Nghỉ báo chí, bà lại tập trung vào nghiên cứu "Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương. Bà Hằng cho biết, do tuổi thơ của bà trưởng thành ở đất phủ Vĩnh Tường, nơi ông Trần Phúc Hiển, người chồng thứ hai của nữ sĩ Hồ Xuân Hương làm tri phủ, từ khi phủ này còn mang tên Tam Đái. Do đó, việc nghiên cứu về thi sĩ Hồ Xuân Hương, bà đã ôm trong lòng, với sự thành kính và biết ơn. Nghiên cứu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà Nghiêm Thị Hằng có những góc nhìn mới, thậm chí nhiều chi tiết chưa hề được công bố.
Những kiến thức về văn học, lịch sử, tâm linh được bà vận dụng triệt để, nhằm chứng minh thuyết phục về thân thế, sự nghiệp của "Bà Chúa thơ Nôm". Sức làm việc miệt mài, sáng tạo không mệt mỏi đem lại cho bà thành công ngoài mong đợi. Chỉ trong 2 năm, bà Nghiêm Thị Hằng đã hoàn thành nghiên cứu, viết và xuất bản 2 tập sách: “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” (Nhà xuất bản Hồng Đức năm 2021), tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” (Nhà xuất bản Văn học năm 2022).