Khu Cao Sơn (gồm 3 bản Son, Bá, Mười) thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Tọa lạc trên đỉnh núi Pha Chiến hùng vĩ, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi những dãy núi trùng điệp, với độ cao 1.180m so với mực nước biển, khu vực này như một viên ngọc quý ẩn mình trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo.
Để đến được Cao Sơn, du khách phải vượt qua những con đường hiểm trở, uốn lượn qua đỉnh Phà Hé. Trước đây, việc đi lại vô cùng khó khăn, thậm chí có người cả đời chưa một lần rời khỏi bản làng. Chính điều này đã tạo nên sự biệt lập và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Thái. Những thầy giáo dưới xuôi lên đây dạy học đã phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ để mang tri thức đến cho các em nhỏ vùng cao.
Ngày nay, con đường lên Cao Sơn tuy đã được bê tông hóa nhưng những khúc cua tay áo ngoằn ngoèo vẫn thử thách lòng can đảm của bất kỳ người lái xe nào. Mỗi một cung đường là một lần đối mặt với hiểm nguy từ những vách núi dựng đứng và vực sâu hun hút. Tuy nhiên, khi đặt chân lên đến bản, du khách sẽ được đền đáp bằng những khung cảnh nên thơ với mây, núi bồng bềnh cùng với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt trải dài.
Sự tách biệt địa lý đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo cho người Thái ở đây. Từ những nếp nhà sàn truyền thống nằm lưng chừng đồi, được bao bọc bởi những thửa ruộng bậc thang mềm mại và uốn lượn, xa xa là những dãi núi trùng điệp quanh năm sương mây bao phủ. Bên cạnh đấy, ở các bản hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Mặc dù giao thông đã được cải thiện, người dân Cao Sơn vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình.
Khí hậu mát mẻ quanh năm, với nhiệt độ có thể xuống dưới 1 độ C vào mùa đông, đã biến Cao Sơn thành một vùng đất trù phú. Đất đai màu mỡ, cùng với khí hậu ôn hòa, đã ban tặng cho nơi đây những vườn cây trái bốn mùa xanh tốt. Đặc biệt, cam, quýt, đào, mận... các loại cây ăn quả ưa khí hậu mát mẻ đã trở thành “đặc sản” của vùng cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Anh Ngân Văn Thuất, một trong những hộ trồng cam lâu năm ở đây chia sẻ: "Khi bắt đầu trồng cam, tôi cũng lo lắng lắm. Đất đồi trọc, khí hậu khắc nghiệt, không biết cây có sống được không. Nhưng rồi bằng tình yêu với quê hương và sự cần cù, chúng tôi đã vượt qua tất cả. Giờ đây, vườn cam không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần làm đẹp cho bản làng. Mỗi khi nhìn những trái cam chín mọng, tôi lại cảm thấy vô cùng tự hào."
Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Cao Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhằm phát triển du lịch cộng đồng, dưới sự định hướng của cấp uỷ đảng chính quyền, những năm gần đây nhiều gia đình, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư homestay, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao đời sống người dân.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030”. Đáng chú ý, đề án sẽ mang đến một làn gió mới cho du lịch xứ Thanh với hệ thống cáp treo hiện đại, kết nối các điểm tham quan hấp dẫn như quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông. Đặc biệt, Cao Sơn sẽ trở thành tâm điểm du lịch, nơi du khách có thể khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa độc đáo của người Thái và tận hưởng những dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong tiết trời se lạnh của mùa đông, Cao Sơn lại càng trở nên quyến rũ với những cánh đào phai khoe sắc, những bông dã quỳ vàng rực rỡ. Người Thái Cao Sơn đang tất bật chuẩn bị cho Tết cổ truyền, mang đến một không khí ấm áp, thân quen. Với những tiềm năng to lớn cùng sự đầu tư đúng hướng, Pù Luông hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thiên nhiên và văn hóa địa phương./.