Người đại diện theo ủy quyền có được quyền ký và nộp đơn khởi kiện thay cho người ủy quyền?

Trong thực tế hiện nay các bộ phận thụ lý hồ sơ đơn kiện của Tòa án nhân dân các cấp, có Tòa chấp nhận nhận đơn khời kiện do người được ủy quyền ký tên, nộp nhưng cũng có Tòa không chấp nhận nhận đơn khởi kiện do người đại diện theo ủy quyền ký nộp. Để làm rõ vấn đề có tính lý luận này, luật sư có phân tích, đánh giá các quan điểm trái chiều nhau như đã nêu ở trên.
dong-1639391880.jpg
Luật sư Nguyễn Quốc Đông

Như chúng ta đã biết, nguyên tắc “quyền tự quyết định và định đoạt của đương sự”“bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật tố tụng dân sự nói riêng và trong pháp luật dân sự nói chung. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết đơn kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi nội dung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó của đương sự.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án,vụ việc dân sự, đương sự tiếp tục có các quyền như: Chấm dứt, thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu khởi kiện của mình hoặc thỏa thuận với các đương sự khác trong vụ án một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện áp dụng pháp luật tố tụng dân sự hiện nay tại các Tòa án, việc thực hiện nguyên tắc này vẫn còn còn nhiều cách hiểu không thống nhất dẫn đến có những cách vận dụng, áp dụng khác nhau, nhất là trong việc đương sự đã có xác lập văn bản ủy quyền cho người khác nhân danh mình ký và nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Theo đây, tác giả xin đưa ra một vụ việc cụ thể trong thực tiễn đã làm nảy sinh các luồng ý kiến, quan điểm khác nhau trong việc chấp nhận hay không chấp nhận nhận đơn, thụ lý đơn khởi kiện do người được úy quyền ký,nộp đơn khởi kiện hay không? Chúng ta hãy cùng xem xét một sự việc thực tế dưới đây: Tháng 09/2020, ông Nguyễn Hữu Đ đã làm văn bản ủy quyền, ông Đ ủy quyền cho ông Nguyễn văn H được quyền khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế mà theo ông Đ đang bị ông Nguyễn Văn T chiếm đoạt trái pháp luật.

Căn cứ vào nội dung, phạm vi ủy quyền trong văn bản ủy quyền này, ông H ký và nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp tại Ủy ban nhân dân xã HH, huyện HL, tỉnh TH nơi có di sản theo thủ tục giải quyết quy định của pháp luật. Sau đó, do các bên tranh chấp không thể hòa giải được, nên Ủy ban nhân dân xã HH đã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung. Ngày 20/10/2020, ông H ký đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp di sảng thừa kế đang bị ông T chiếm đoạt trái pháp luật, gửi cho Tòa án nhân dân huyện HL, Tòa án huyện HL đã từ chối tiếp nhận đơn, thụ lý giải quyết, với lý do người đại diện theo ủy quyền chỉ được quyền tham gia tố tụng chứ không có quyền ký, nộp đơn khởi kiện. Sự kiện pháp lý này đã làm phát sinh hai luồng quan điểm, ý kiến trái chiều nhau xung quanh việc áp dụng các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật dân sự để giải quyết về nội dung: Chấp nhận hay không chấp nhận việc người đại diện theo ủy quyền ký, nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ án, vụ việc dân sự? Có nhiều ý kiến của một số không nhỏ của các Tòa án các cấp từ chối việc tiếp nhận đơn kiện như Tòa án nhân dân tỉnh TH đã làm vì cho rằng. Cá nhân chỉ được “tham gia tố tụng theo ủy quyền”, không quy định người được ủy quyền được ký, nộp đơn kiện thay người khởi kiện. cho rằng: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa cho phép người đại diện theo ủy quyền được quyền ký, nộp đơn khởi kiện. Có nghĩa là, cá nhân không được quyền ủy quyền cho cá nhân khác ký, nộp đơn khởi kiện mà chỉ được quyền ủy quyền cho cá nhân khác tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 5, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:“Người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện”.

Một số Tòa án vẫn nhận đơn do người đại diện theo ủy quyền ký, nộp vì cho rằng, xét tư cách của ông H chính là người đại diện theo ủy quyền của ông Đ bằng văn bản ủy quyền và văn bản này được chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền, là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Ông H là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự nên việc ký vào đơn, nộp đơn khởi kiện là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Từ một vấn đề thực tiễn nêu trên, nếu xét về góc độ lý luận thì đã có các quy định tương đối rõ nhưng tại sao lại có quan điểm trái ngược nhau như vậy đang diễn ra tại Tòa án nhân dân các cấp? Theo quan điểm của mình, luật sư hoàn toàn đồng ý với quan điểm người được ủy quyền được ký vào đơn khởi kiện, và nộp đơn khởi kiện, bởi lẽ các cơ sở lý luận và các quy định của pháp luật thực định đã có quy định rất rỏ ràng và chi tiết, cụ thể: Quyền khởi kiện trong tình huống pháp lý nêu ở trên đương nhiên phải thuộc về ông Đ và trường hợp nếu ông Đ khởi kiện thì đương nhiên và hiển nhiên tư cách tham gia tố tụng của ông sẽ là nguyên đơn dân sự trong vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất nêu trên.

Tuy nhiên, vì lý do khách quan, do hiện ông đang công tác làm việc xa không có điều kiện ký, nộp đơn khởi kiện trực tiếp nên ông đã ủy quyền lại cho ông H nhân danh mình thực hiện việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, trong đó bao gồm có cả quyền ký, nộp đơn khởi kiện là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, cụ thể là quy phạm pháp luật về thực hiện quyền tự quyết định, quyền tự định đoạt mà ông được hưởng với tư cách là đương sự (Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).Quyền tự quyết định, quyền tự định đoạt trong trường hợp này bao gồm và không loại trừ cả quyền được ủy quyền cho người khác:“Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” (khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Vì vậy, chủ thể có quyền khởi kiện thì hiển nhiên pháp luật cho phép họ có quyền xác lập văn bản ủy quyền (chuyển giao quyền) của mình cho người khác thực hiện thay quyền ký, nộp đơn khởi kiện của mình và Tòa án nhân dân huyện HL không nhận đơn khởi kiện của người được ủy quyền (ông H) trong trường hợp này là hoàn toàn chưa phù hợp với quy định của pháp luật như tác giả đã viện dẫn nêu trên. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Với quy định này, cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện hợp pháp của mình, ngoại trừ, cá nhân không được để người khác thực hiện việc đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Tham chiếu đến các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tác giả nhận thấy hoàn toàn không có bất cứ quy phạm pháp luật nào cấm người đại diện theo ủy quyền không được đại diện cho người ủy quyền để ký, nộp đơn, hồ sơ khởi kiện vụ án dân sự hoặc hồ sơ yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì một trong những căn cứ để xác định phạm vi đại diện chính là nội dung ủy quyền. Theo đó, một người khi tranh chấp, họ có quyền khởi kiện nhưng vì lý do nào đó họ không thực hiện được quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp của mình mà trao quyền này cho một người khác được nhân danh mình khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền thì phạm vi ủy quyền sẽ bao gồm từ việc làm đơn khởi kiện, ký nộp đơn, là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Có lẽ Tòa án nhân dân huyện HL đã viện dẫn quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại Biểu mẫu số 23-DS Đơn khởi kiện ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự thì. Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ phải ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng và ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn về cách viết đơn khởi kiện mà không thể xem để áp dụng dẫn đến loại trừ quyền đại diện theo ủy quyền của người được ủy quyền. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền là ông H có quyền làm đơn khởi kiện và tại mục người khởi kiện phải ghi là ông Đ (để Tòa án xác định ông Đ là nguyên đơn trong vụ kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) và các thông tin khác theo yêu cầu và tại mục này phải thể hiện rõ người đại diện theo ủy quyền là ông H, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Tại mục ký tên thì đương nhiên người đại diện theo ủy quyền khởi kiện thì ông H được quyền ký tên hoặc điểm chỉ theo quy định.Vì thế, không có bất cứ khó khăn, hạn chế hay điều cấm nào đối với người đại diện theo ủy quyền về việc ký, nộp đơn khởi kiện thay cho người ủy quyền.

Xét theo quan điểm cho rằng, người đại diện theo ủy quyền chỉ được quyền “tham gia tố tụng” chứ không được ký, nộp đơn khởi kiện. Tuy nhiên, quan điểm này lại không viện dẫn được quy phạm pháp luật thực định cụ thể nào quy định người đại diện theo ủy quyền chỉ “tham gia trong tố tụng dân sự” mà không được ký, nộp đơn khởi kiện. Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định:“Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Quy định này cho thấy, người làm luật sử dụng cụm từ “trong tố tụng dân sự” chứ không quy định đề cập cụm từ “tham gia tố tụng dân sự”.

Bởi lẽ, nội hàm của cụm từ “trong tố tụng dân sự” rộng hơn, nó bao hàm tất cả hoạt động tố tụng dân sự xảy ra từ giai đoạn bắt đầu khởi kiện (soạn nộp, chỉnh sửa đơn khởi kiện), bao gồm cả thủ tục tiền tố tụng như hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi có đất tranh chấp và kéo dài cho tới giai đoạn thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mới xem như là kết thúc vụ kiện, vụ việc. Vì vậy, quyền ủy quyền và quyền được nhận ủy quyền ký, nộp đơn khởi kiện là phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (gọi tắt là “Nghị quyết 05”) đã có hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự trước đây, đã có hướng dẫn:“Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”. Vì vậy, tác giả cho rằng “Nghị quyết 05” vẫn còn nguyên giá trị pháp lý sử dụng để hướng dẫn làm rõ thêm nội dung này đối với các quy định tại khoản 2,3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Như vậy, có thể nói tư cách người khởi kiện trong trường hợp này vẫn là cơ quan, tổ chức nhưng khi ký tên thì người được ủy quyền được quyền ký tên và đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân mặc dù luật quy định rõ “người đại diện của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu vào cuối đơn”. Hiểu là, nếu là pháp nhân khởi kiện thì họ có quyền ủy quyền cho người khác khởi kiện, ký tên vào đơn khởi kiện. Trong khi đó, người nhận ủy quyền trong trường hợp là cá nhân khởi kiện không được ký tên vào đơn khởi kiện là một điều bất hợp lý và đối xử không công bằng giữa chủ thể khởi kiện là pháp nhân và cá nhân trong việc thực hiện quyền khởi kiện. Trong trường hợp này, Tòa án cần phải áp dụng tương tự pháp luật: Pháp nhân và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật nên pháp nhân được quyền ủy quyền khởi kiện thì cá nhân đương nhiên cũng sẽ phải có quyền này.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, người đại diện theo ủy quyền được luật cho hưởng các quyền như: Làm đơn và ký đơn bổ sung, thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ đơn yêu cầu khởi kiện đã nộp; Nộp đơn thực hiện quyền yêu cầu phản tố; Được quyền làm, ký và nộp đơn kháng cáo giải quyết theo trình tự, thủ tục phúc thẩm; Quyền làm đơn khiếu nại các hoạt động tố tụng trong các giai đoạn tố tụng; Được quyền làm đơn và ký đơn kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Được quyền làm đơn và ký đơn yêu cầu thi hành án. Như vậy, không có lẽ gì và lý do gì để cản trở hay không cho phép người được ủy quyền ký, nộp đơn khởi kiện?

Tòa án nhân dân tối cao cần thiết phải xem xét sử dụng nội dung hướng dẫn có trong “Nghị quyết 05” như đã trích dẫn nêu trên để sửa đổi bổ sung làm rõ thêm các nội dung tại khoản 2,3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với hướng dẫn chi tiết theo hướng, Cho phép người được ủy quyền ký tên, nộp đơn khởi kiện tương tự như thủ tục ký sửa đổi, bổ sung, thay đổi và rút đơn kiện; Ký đơn kháng cáo bản án, quyết định như đã liệt kê trên đây để tránh và chấm dứt hẳn tình trạng Tòa án nhân dân các cấp ở mỗi nơi, mỗi địa phương vẫn còn có cách hiểu và áp dụng khác nhau, không thống nhất về nội dung này và vô hình dung đã làm “hạn chế” quyền của chủ thể là cá nhân trong việc thực hiện quyền tự định đoạt, tự quyết định của mình mà pháp luật thực định đã ghi nhận./.