Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, chủ động, tích cực nhằm tháo gỡ vướng mắc và hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trong năm 2023.
6638203503601383576-1688828002.jpg
Dự án đường ven biển đoạn qua Nghệ An đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Theo đó, năm 2023 Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ giao tổng nguồn vốn là 9.033,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/6, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 2.682,695 tỷ đồng, đạt 29,7%; trong đó, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 1.352 tỷ đồng, đạt 24,22%. Theo đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn mặc dù cao hơn so bình quân chung của cả nước nhưng còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đáp ứng so với kỳ vọng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nghệ An, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt thấp, trong đó, có 20 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân và có hơn 208 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao vốn. Tính đến ngày 20/6, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia kế hoạch năm 2023 còn hơn 155 tỷ đồng, năm 2022 còn hơn 53 tỷ đồng chưa được giao vốn. Trong đó, có 9 dự án chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục của 4 chủ đầu tư: Kỳ Sơn (4 dự án); Tương Dương (2 dự án); Nghĩa Đàn (1 dự án) và Sở Văn hóa và Thể thao (2 dự án).

Lý giải về nguyên nhân việc giải ngân đầu tư công chậm, lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: Do tác động từ giá cả nguyên nhiên vật liệu; quy trình thủ tục triển khai dự án mới mất nhiều thời gian; vướng mắc giải phóng mặt bằng; văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, kịp thời; chậm hoàn thiện hồ sơ thủ tục là do một số dự án có quy mô lớn, quá trình khảo sát địa hình, địa chất phức tạp, trải qua nhiều bước, nên mất nhiều thời gian; một số dự án phải trình các bộ, ngành trung ương thẩm định hồ sơ dự án trước khi phê duyệt; một số dự án vướng quy hoạch phải thực hiện điều chỉnh...

Mặt khác, thời gian qua, có những vấn đề cấp bách nhưng thủ tục lại lòng vòng; do vướng giải phóng mặt bằng; một số dự án chuyển tiếp đang thực hiện các thủ tục; quy trình, thủ tục dự án ODA phức tạp, kéo dài; chưa hoàn thành các bước thủ tục đầu tư. Chẳng hạn, tính theo dự án, có đến 105/164 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh Nghệ An, trong đó có 69 dự án chưa giải ngân với kế hoạch vốn là hơn 1.107 tỷ đồng. Đối với các dự án chậm tiến độ, thời gian qua tỉnh Nghệ An cũng rất quyết liệt, thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn. Qua đó chấm dứt 96 dự án, gia hạn 182 dự án.

Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Nghệ An vừa diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - ông Thái Thanh Quý cho rằng, một trong những tồn tại, vướng mắc lớn dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công còn thấp đó là chất lượng chủ đầu tư còn thấp, đặc biệt là ở Ban quản lý dự án cấp huyện.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị cần phải có giải pháp mạnh, như đánh giá lại công tác cán bộ. Cụ thể là ở nơi nào việc giải ngân chậm diễn ra trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ thì cần yêu cầu cấp huyện thay đổi, sắp xếp lại cán bộ Ban quản lý dự án ở đó; đồng thời có thể chuyển dự án ở huyện về cho Ban quản lý dự án của tỉnh và 2 sở còn Ban quản lý dự án để thực hiện. Người đứng đầu tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các cấp, ngành cùng quyết liệt, chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động rà soát tiến độ, kịp thời có phương án điều chỉnh, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án khác có tiến độ tốt, còn thiếu vốn và có khả năng giải ngân, nhất là dự án trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định.

Quốc Cường