Nghệ An: Những “kỷ lục” mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

Chỉ tính riêng trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Nghệ An đạt 2,43 tỷ USD, tăng 60,77% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,11 tỷ USD, tăng 76,04%, vượt hơn 130% so với kế hoạch đề ra. Đây là mức độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và xuất khẩu đang trở thành “mũi nhọn” của kinh tế Nghệ An.

Những con số ấn tượng

Cụ thể, trong năm 2021, những mặt hàng có kim ngạnh xuất khẩu tăng trưởng khá và nổi bật trong kinh tế Nghệ An là nhóm hàng công nghiệp chế biến như: Vật liệu xây dựng tăng 87%; Hàng dệt may tăng 34,9%; Đá ốp lát tăng 76,4%;Linh kiện điện thoại tăng rất mạnh gấp 17 lần so với năm 2020. Ngoài ra, hàng nông sản cũng tăng trưởng mạnh: Thủy sản tăng 170%; lạc nhân tăng gấp 5,5 lần so với 2020; tinh bột sắn tăng 113,5%.

Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang tận dụng tối đa hiệu quả từ các hiệp định FTA mang lại, hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đã vươn ra tận 125 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta với giá trị năm vừa qua đạt 495 triệu USD, chiếm 23,6% tổng kim ngạch, sau đó là Hồng Kông đạt 268 triệu USD, chiếm 12,8%, tiếp đó là các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 994,2 triệu USD, tăng 35,26% so với năm 2020. Chủ yếu nhập các mặt hàng như: xăng dầu, máy móc, thép các loại, da dày…Việc nhập khẩu tăng là do sự mở rộng các lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp tăng việc nhập khẩu vật tư, linh kiện, hàng hóa để đảm bảo chuỗi cung ứng và ổn định sản xuất.

img-4474-1651070659.jpg
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cửa Lò

Năm 2021 là một năm mà tình hình kinh tế của cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, hàng loạt đơn hàng xuất nhập khẩu bị hủy, hoãn. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Nghệ An vẫn đạt những kết quả hết sức khả quan, mức độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.

Có được những thành quả đó là nhờ vào sự quyết liệt, sâu sát và đồng hành cùng doanh nghiệp của các cơ. quan bộ, ngành trung ương và chính quyền, các sở, ngành địa phương như sở Công thương, chi cục Hải quan Nghệ An. Trong đó, đặt biệt phải kể đến những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất kịp thời của Cục Hải quan Nghệ An. Cục đã đã thành lập tổ nghiệp vụ để theo dõi ảnh hưởng của dịch Covid-19, kịp thời tổng hợp, báo cáo, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cũng như các chính sách về thuế đã được Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan ban hành; đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong công tác xuất nhập khẩu.

Lại nói, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh, Cục Hải quan Nghệ An đã xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp vi phạm xẩy ra trong lĩnh vực hải quan, từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dần ổn định sau dịch bệnh. Bên cạnh những yếu tố đó thì sự nỗ lực, cố gắng của chính các doanh nghiệp có các mặt hàng xuất nhập khẩu cũng là yếu tố then chốt để năm 2021 Nghệ An đạt kim ngạch xuất nhập khẩu tăng kỷ lục như vậy.

Mục tiêu vươn lên những "nấc thang" cao hơn trong năm 2022

Năm 2022, Nghệ An đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD. Đây là con số hoàn toàn có thể đạt được khi mà chúng ta vẫn đang tận dụng rất tốt những chính sách từ Hiệp định FTA. Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành đang có nhiều chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường công tác xuất nhập khẩu cả về số lượng lẫn mặt hàng.

Riêng tại Nghệ An, theo số liệu từ Cục Hải quan Nghệ An cho biết, trong quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 833,2 triệu USD, tăng 12,95% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 443 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu là 390,2 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: thép lá dạng cuộn, bột đá, đá ốp lát, các sản phẩm điện tử, xi măng và các sản phẩm may mặc gia công. Còn nhập khẩu thì chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu may mặc, dầu diezel…

Tính đến 31/3/2022, Cục Hải quan Nghệ An đã thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 500,99 tỷ đồng. Đây là những con số rất đáng mừng, tuy nhiên những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải cũng không ít. Đáng chú ý là thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách “zero covid” nên đã áp đặt thêm nhiều quy định mới để siết chặt các hoạt động nhập khẩu nông, thủy sản khiến việc thông quan hàng hóa của chúng ta sang thị trường này gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, Nghệ An chưa có nhiều các Tập đoàn, công ty lớn nên việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được số lượng hàng hóa xuất khẩu ổn định với số lượng lớn, xung đột Nga và Ucraina khiến doanh nghiệp thiếu nguồn cung và gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu vì chi phí tăng cao và hoạt động thông quan gặp khó...

img-4475-1651070671.jpg
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Nghệ An

Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban ngành, các địa phương và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, phải phát triển thêm thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế, tổ chức các đoàn kết nối giao thương… để tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh, tránh phụ thuộc vào một thị trường để hạn chế rủi ro. Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Quốc Cường