Tại phiên giao dịch sáng 8/3, giá vàng được niêm yết tại các tiệm vàng thành phố Vinh lần lượt là 75,50 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC (bán ra), 5,9 triệu đồng/chỉ (nhẫn tròn 9999). Theo đó, so với phiên giao dịch sáng qua, vàng đã “nhảy giá” tăng thêm 4,23 triệu đồng/lượng. Mức giá này được coi là "chưa từng có trong lịch sử" ở cả chiều mua vào và chiều bán ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Bá Thân, một chủ tiệm vàng lớn ở Diễn Châu cho biết: “Tình hình căng thẳng ở Ukraine chi phối biến động của thị trường vàng trong ngày đầu tuần. Giá vàng thế giới vượt mốc 2.000 USD/ ounce trong phiên giao dịch chiều tối ngày 7/3 (giờ Việt Nam). Đây là mức cao nhất trong vòng 1,5 năm qua. Trong khi đó, giá vàng trong nước bật tăng mạnh, mức chênh với giá vàng thế giới lên đến 18 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng được điều chỉnh liên tục. Chốt phiên sáng nay, mức giá mua vào là 70,5 triệu đồng/lượng và bán ra là 75,05 triệu đồng/lượng (đối với vàng miếng SJC)”.
Giá vàng liên tục tăng nên nhiều người sở hữu vàng tranh thủ bán chốt lời. So với thời điểm đầu năm Nhâm Dần, người bán đã lãi khoảng 9 triệu đồng mỗi lượng. Chị Nguyễn Ánh Tuyết (thị trấn Đô Lương) đang chờ bán vàng ở tiệm vàng lớn trên đường Cao Thắng cho biết: “Năm ngoái, sau khi bán đất, số tiền dư gửi lãi ngân hàng thấp nên tôi mua vàng để cất trữ. Giá vàng thời điểm đó (tháng 9/2021) là 56,2 triệu đồng/lượng. Đó là vốn để dành nên xác định khi nào cần thiết dùng đến mới bán song giá vàng tăng cao, lãi gần 15 triệu đồng/lượng nên con cái cũng bàn bán, khi nào vàng xuống lại mua”.
Số người có vàng đã tranh thủ đem bán chốt lời khiến thị trường vàng trở nên sôi động hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, số người đến giao dịch ở các tiệm vàng đông, tăng cao so với phiên giao dịch tuần trước. “Lượng người đến bán vàng khá nhiều, trong đó, vàng miếng chiếm số lượng lớn, còn vàng trang sức, nhẫn tròn ít hơn. Đa phần, đó là những người có tiền nhàn rỗi đầu tư vào vàng và thời điểm vàng lên cao thì họ bán chốt lời”, chị Hồng Nga, nhân viên một tiệm vàng trên đường Cao Thắng (TP.Vinh) cho biết.
Theo thống kê của một doanh nghiệp vàng bạc tại TP.Vinh, lượng người bán vàng miếng trong 2 ngày (7 và 8/3) tăng khoảng 2,5 lần so với các ngày trước, lượng vàng mua vào chiếm đến 80% giao dịch trong ngày, và lượng vàng bán ra khá thấp.
Thực tế là, hiện biên độ chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra khá cao. 12h sáng 8/3, mức giá vàng mua vào ở các tiệm vàng dao động từ 70,2 triệu đồng/lượng – 70,5 triệu đồng/lượng (vàng miếng SJC) và 5,6 triệu đồng/chỉ (nhẫn tròn 9999). Trong khi đó, giá bán ra là 75,05 triệu đồng/lượng (vàng miếng SJC) và 5,9 triệu đồng/chỉ (nhẫn tròn 9999). Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC được đẩy lên mức cao nhất tới 5 triệu đồng/lượng, trong khi bình thường chỉ khoảng 700.000 -1.000.000 đồng. Theo các chuyên gia, việc “nới rộng” biên độ chênh lệch này sẽ đẩy rủi ro về phía khách hàng nhiều hơn.
Điểm đáng chú ý là giá vàng thế giới sau khi vọt lên 2.000 USD/ounce, theo quy đổi sang VNĐ thì có giá 57 triệu đồng/lượng (bao gồm thuế phí) nhưng vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng liên tục theo từng khung giờ khiến những người có nhu cầu mua bán vàng cảm thấy "chóng mặt".
Sức mua vàng không tăng mà thậm chí còn giảm nhưng mức giá vẫn được đẩy lên cao. Điều này, không phản ánh đúng bản chất cung cầu thật sự của thị trường. Do đó, rất nhiều tiệm vàng uy tín ở thành phố Vinh đã khuyến cáo người dân không nên mua đuổi vàng SJC khi giá đang cách biệt quá lớn so với các loại vàng nhẫn, vàng trang sức 24K và giá vàng thế giới, để tránh rủi ro mà hướng khách hàng mua nhẫn tròn 9999.
Bà Mạnh Mỹ Duyên, chủ doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Đường Hồng (đường Trần Phú- TP.Vinh) cho biết: “Người dân không nên mua vàng miếng SJC vào thời điểm này. Thay vào đó có thể mua nhẫn tròn để tránh rủi ro về sau. Giá vàng thế giới dự báo còn tiếp tục tăng song không “tăng nóng” như giá vàng trong nước. Do đó, người dân cần cân nhắc khi ôm vàng đầu cơ vào thời điểm này”.