Theo Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho hay, trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng. Đối tượng tham gia trải nghiệm phần lớn là học sinh, sinh viên nên nhóm đối tượng này được xác định là đối tượng chính, trọng tâm của bảo tàng khi xây dựng các nội dung hoạt động trải nghiệm.
Với lợi thế lưu giữ một kho tàng di sản quý giá là trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tàng: các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu...
Đồng thời, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động giáo dục văn hóa phi vật thể, nghệ nhân là người giữ vai trò quyết định trong sự thành công của công tác giáo dục cũng như bảo tồn di sản văn hóa.
Bảo tàng Hà Nội thường xuyên tổ chức mời các nghệ nhân là những chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn. Đơn cử, trình diễn các nghề thủ công truyền thống làm tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng… hay các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm… và còn rất nhiều các hoạt động giáo dục ý nghĩa khác.
Tại toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đưa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm vào các chương trình hoạt động của bảo tàng, từ đó góp phần đưa chương trình giáo dục trải nghiệm về di sản văn hoá đến gần hơn công chúng.
Năm 2024, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) lựa chọn chủ đề Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu, nhấn mạnh về vai trò của bảo tàng trong việc khuyến khích học tập; thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán từ công chúng nhằm cung cấp trải nghiệm giáo dục toàn diện hơn./.