Cơ hội để doanh nghiệp ngành tôm phục hồi chuỗi sản xuất

Tính đến thời điểm này, ngành tôm Sóc Trăng cơ bản đã vượt qua những thử thách trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19.
112805-182728tom-1576416183587656502761-1632996422.jpg
Doanh nghiệp ngành tôm. Ảnh minh họa

Khó khăn được tháo gỡ kịp thời cùng những tín hiệu lạc quan của thị trường trong và ngoài nước đang là những cơ hội tốt để người nuôi tôm và các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng yên tâm phục hồi chuỗi sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2021.

- Kịp thời gỡ khó cho người nuôi tôm

Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu thả nuôi tôm nước lợ trên 51.000ha; sản lượng tôm cả năm dự kiến đạt trên 172.000 tấn. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, khung lịch thời vụ thả tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh được bắt đầu từ ngày 20/1-30/9; trong đó, tôm thẻ chân trắng theo khung lịch từ ngày 20/2-30/9; tôm sú từ ngày 15/3-30/8. Đối với mô hình tôm-lúa thì bố trí thả nuôi, thu hoạch trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa.

Ngay từ thời gian đầu khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã thành lập ngay tổ hỗ trợ tiêu thụ và tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các phương án tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản.

Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ đội thu hoạch, thu mua tại chỗ; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết những khó khăn cho người nông dân.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 nên giá tôm trên địa bàn tỉnh nhiều lúc giảm sâu, tác động đến hiệu quả sản xuất cũng như tâm lý, nhất là khâu tái sản xuất của người nuôi, gây ảnh hưởng và đứt gãy đến chuỗi sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất đến người dân, doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Vì vậy, đến nay các khó khăn về giao thương, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh được tháo gỡ kịp thời; đảm bảo hài hòa “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết thêm, theo thông tin của các doanh nghiệp, tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nơi sản xuất phục hồi ở những điều kiện an toàn dịch bệnh và các doanh nghiệp đã nâng công suất. Hiện nay, theo đánh giá của các doanh nghiệp, giá tôm thương phẩm đang có chiều hướng gia tăng trở lại.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình nuôi, môi trường, thời tiết và cảnh báo dịch bệnh đến người nuôi. Trong trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh lại lịch thả nuôi cho phù hợp với điều kiện sản xuất, nhằm giúp người nuôi trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, hướng đến vụ nuôi tôm nước lợ 2021 thành công.

- Còn nhiều thách thức

Tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; trong đó, 5 doanh nghiệp lớn nhất đều chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Thực phẩm Sao Ta, một trong những doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu tôm hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện 5K ít nhiều làm giảm năng suất và tăng nhẹ chi phí. Thách thức với doanh nghiệp trong ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói chung là diễn biến COVID-19 phức tạp và khó lường.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, đến nay, tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp ổn định, vượt kế hoạch đề ra.  Đến cuối tháng 9, các dây chuyền chế biến tôm của doanh nghiệp đang hoạt động hết công suất. Suốt quá trình phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng không có doanh nghiệp chế biến tôm nào đóng cửa, chỉ thu hẹp quy mô. Nhờ đó, Sóc Trăng đã tiêu thụ tôm từ nhiều tỉnh bạn và là trụ đỡ của ngành tôm trong lúc khó khăn nhất.

Theo công bố kết quả kinh doanh sơ lược 8 tháng qua của Thực phẩm Sao Ta, sản lượng của doanh nghiệp đạt trên 13.800 tấn tôm, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số tiêu thụ tôm tăng 10% lên gần 132 triệu USD, tương đương hơn 3.100 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tiếp tục hứa hẹn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước khoảng 10%. Doanh nghiệp phấn đấu doanh số năm 2021 sẽ đạt mốc 200 triệu USD, qua đó góp phần đưa Sóc Trăng thành tỉnh trọng điểm của ngành tôm cả nước.

Theo nhận định của ngành chuyên môn và hộ nuôi tôm, thời tiết trong những tháng đầu năm 2021 mặc dù có ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nhưng nhìn chung vẫn khá thuận lợi đối với mùa vụ thả nuôi tôm so cùng kỳ năm trước.

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi trên 45.000 ha tôm nước lợ, đạt hơn 80% kế hoạch; diện tích tôm đã thu hoạch trên 28.000 ha, đạt sản lượng hơn 128.000 tấn. Với diện tích thả nuôi đạt và vượt kế hoạch đề ra, cùng với đó là sản lượng đạt tốt, thiệt hại chiếm tỷ lệ thấp, việc sản xuất của doanh nghiệp tôm dần phục hồi cho thấy vụ tôm năm 2021 tại Sóc Trăng sẽ thành công lớn. Từ đó, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho cơ sở, doanh nghiệp và hộ dân nuôi tôm nước lợ.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tỉnh đã thực hiện đạt 4 mục tiêu: ý thức chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của toàn dân được nâng lên; khống chế, không để dịch bệnh lây lan; giảm số ca mắc, số ca tử vong; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi, tạo điều kiện quang trọng để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”.

Với kết quả đó, từ ngày 16/9, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái “bình thường mới”. Sóc Trăng trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực bước vào trạng thái "bình thường mới".

Tỉnh kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 nhưng đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, thực hiện tốt các phương châm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “lợi ích hài hòa-rủi ro chia sẻ”, “an toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”; chú trọng hiệu quả, không hình thức, nói đi đôi với làm. Ngoài ra, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Tỉnh mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. Tỉnh phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch.

Chanh Đa