Ngày 21/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) mở Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là những vấn đề đang tác động mạnh tới việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh không phải là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.
Báo cáo về tình hình tăng trưởng xanh tại Việt Nam, Phó Thống đốc cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế xanh thông qua Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia các giai đoạn 2011-2020; giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2025 và thông qua những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là cam kết mục tiêu Net Zero (giảm phát thải ròng bằng 0).

Trong đó, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 giữ vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh bao gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 134 hoạt động cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.
Đối với ngành ngân hàng, NHNN đã vào cuộc rất sớm, từ năm 2015 đã lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững trong các văn bản chỉ đạo công tác tín dụng. Đặc biệt, năm 2023, NHNN tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động của toàn Ngành triển khai Chiến lược quốc gia về tín dụng xanh giai đoạn 2021-2030 và các Đề án về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, với 7 nhóm nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị Vụ, Cục, chi nhánh của NHNN, và các tổ chức tín dụng (TCTD).
Sau gần 2 năm triển khai kế hoạch, NHNN đã ghi nhận những kết quả khả quan. Tính đến tháng 3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ xanh, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Đồng thời, có nhiều TCTD đã công bố báo cáo phát triển bền vững, tăng tính giải trình và minh bạch, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của mình.
Ông Đào Minh Tú nhận định, năm 2025 đánh dấu 5 năm triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2025. Thời điểm hiện tại là cơ hội để ngành ngân hàng đánh giá lại toàn bộ quá trình trước đó, nhận diện khó khăn để tìm ra giải pháp, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia trong giai đoạn tới.
Với tinh thần trên, NHNN đã hợp tác cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay hướng dẫn Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Phó Thống đốc tin tưởng, cuốn sổ tay này sẽ trở thành công cụ thiết thực hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng quy trình cụ thể và phù hợp theo tính chất từng ngân hàng và khoản vay, góp phần thúc đẩy hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiệu quả hơn trong hành trình hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
“Đây là tài liệu tham khảo có tính thực tiễn cao, giúp các tổ chức tín dụng tăng cường quản lý rủi ro theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”, ông nói.
Nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia, doanh nghiệp có không gian chia sẻ tri thức và kinh nghiệm về phát triển tài chính xanh, hướng tới tăng trưởng xanh, Hội thảo quốc gia với chủ đề “Thúc đẩy tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam” sẽ được Học viện Ngân hàng phối hợp cùng Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh và Tạp chí Kinh tế - Luật và Ngân hàng tổ chức vào ngày 27/5 tới đây.
Nội dung hội thảo sẽ tập trung vào nhiều khía cạnh quan trọng như khung lý luận và pháp lý cho tài chính xanh, vai trò của các cơ quan điều tiết nhà nước trong thúc đẩy tín dụng và đầu tư xanh, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp, cũng như ứng dụng công nghệ trong quản lý và triển khai các công cụ tài chính xanh. Đặc biệt, hội thảo cũng dành không gian để trình bày các kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy tài chính xanh và quản trị ESG, từ đó rút ra bài học phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Đây không chỉ là dịp để các nhà nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ các sáng kiến, mô hình triển khai thực tế, mà còn là cơ hội để kết nối các nguồn lực, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân trong việc hiện thực hóa cam kết Net-Zero của Việt Nam, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Quý độc giả quan tâm tới Hội thảo vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:
Ban tổ chức Hội thảo
📞 Điện thoại: 097.738.1982/090.211.6813
📧 Email: Toasoan.kinhtexanh@gmail.com