Ngành du lịch đủ nội lực để phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, tuy nhiên, ngành du lịch vẫn được đánh giá sẽ phục hồi nhanh chóng, trở thành một trong những mũi nhọn giúp phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sau dịch.

Nguồn lực luôn sẵn sàng, chỉ chờ đại dịch qua đi

Du lịch là một trong những ngành trọng điểm đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng,… Giá trị mà du lịch mang lại là không hề nhỏ, nó không chỉ giúp phát triển về mặt kinh tế mà còn giúp hội nhập văn hóa, phát triển đời sống, xã hội, việc làm, an sinh cũng như văn minh tại địa phương. Vì vậy, việc khôi phục du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19 đặc biệt có ý nghĩa đối với việc phát triển kinh tế xã hội.

Trong hai năm qua, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt kể từ đợt dịch thứ 4, du lịch dường như rơi vào trạng thái ngủ đông. Tuy nhiên, đánh giá về khả năng hồi phục giai đoạn hậu Covid-19, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch vẫn đánh giá đây là ngành có đủ nội lực để có thể vực dậy một cách mạnh mẽ và nhanh chóng.

Chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội, cho biết, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất nhưng cũng là ngành có tiềm năng bứt phá nhất khi đại dịch qua đi. Đối với khối ngành kỹ thuật, máy móc, sản xuất cần 3 – 6 tháng để nhìn thấy tốc độ phát triển. Tuy nhiên du lịch chỉ cần từ 7 - 10 ngày chạy đà là tất cả mọi mảng kinh doanh phục vụ khách du lịch có thể hồi phục.

hinh-1-1641460172.jpg
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội.

“Tất cả tài nguyên, vật liệu, cơ sở, nhân sự,… luôn sẵn sàng. Chỉ cần kiểm soát dịch và đưa cuộc sống vào trạng thái bình thường thì ngành du lịch lập tức bứt phá như chiếc xe đua vượt qua khúc cua và trở lại đường đua tốc độ.” – ông Phương chia sẻ.

Đặc biệt, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng là một trong những động lực giúp ngành du lịch tự tin phát triển mạnh mẽ. Điển hình như những ngày cuối năm 2021, Tp.HCM đã lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ Du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chạy đà cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch TPHCM nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong năm 2022, góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

hinh-2-1641460172.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng tặng hoa cho các đại sứ du lịch của chương trình Tuần lễ Du lịch 2021.

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Tuần lễ Du lịch “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố tôi yêu” không chỉ dừng lại ở giới hạn thời gian 7 ngày, hướng đến việc trở thành sự kiện thường niên của người dân Thành phố và du khách gần xa.

“TPHCM xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch năm 2022. Song song đó, các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ cần khẩn trương chủ động chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể tham gia đón khách quốc tế trở lại TPHCM ngay khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố đón khách quốc tế nhập cảnh; đồng thời liên kết đón khách quốc tế đến từ các địa phương đã được cho phép theo một chương trình nhiều điểm đến.” bà Thắng cho biết.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là “chìa khóa” để phát triển du lịch

Về tương lai xa, chuyển đổi số được xác định là một trong những thế mạnh sẽ giúp ngành du lịch phát triển một cách mạnh mẽ. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông dựa trên sự chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo điều kiện và giúp người dân, du khách tiếp cận và khám phá điểm đến một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó cũng là một trong những đề nghị mà đồng chí Phó chủ tịch Tp.HCM Phan Thị Thắng nêu ra với ngành du lịch và các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành trong Tuần lễ Du lịch 2021 vừa qua.

hinh-3-1641460172.jpg
Một trong những Tour du lịch đầu tiên kể từ sau đợt dịch thứ 4 tại Tp.HCM

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương cũng cho biết thêm, nhu cầu khách hàng ngày một thay đổi và việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào du lịch mạnh mẽ hơn sau dịch sẽ tạo ra tương lai vô cùng tươi sáng cho ngành công nghiệp không khói này.

Nguồn tài nguyên, cơ sở vật chất, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành đã được chuẩn hoá và chuôi rèn cẩn thận trong thời gian gần 2 năm vừa chống vừa bán từ đầu 2020 đến nay. Tuy nhiên yếu tố mang tính quyết định vẫn sẽ là công nghệ số, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật là cần thiết và chính nó sẽ giúp du lịch tiếp cận nhiều hơn với khách hàng.

“Du lịch không chạm, du lịch thông minh là những từ khóa quan trọng giúp ngành du lịch đi xa hơn trong thời buổi chuyển đổi số hiện nay. Tôi nghĩ rằng, ngành du lịch không thể thoát khỏi bánh xe của nhịp phát triển thương mại điện tử. Vì thế, tận dụng thời cơ này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp phát triển hơn, tạo điểm mới và tốt hơn trước đây.” – ông Phương chia sẻ./.

Nguyễn An Bình