Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung, đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.
Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao, thị trường bị thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt.
Cụ thể, tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định, có các chính sách tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, sớm hình thành thị trường quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cần trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính theo đó nghiên cứu cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực kết nối các chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản. Từng bước chủ động được thị trường xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam. Nhanh chóng đổi mới mô hình đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến nông sản Việt Nam đối với thị trường lớn, trong tâm như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu,... Hình thành các khu vực, vùng canh tác, chế biến, sản xuất kiểu mẫu với cách thức triển khai từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra.
Về nguồn nhân lực, cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Xây dựng và ban hành chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp, kết nối với doanh nghiệp nông nghiệp; thu hút người lao động có trình độ cao về hợp tác xã nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao nhận thức, đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu, hướng dẫn chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại đối với hàng nông sản, xây dựng thương hiệu số,...