Nâng cao diện tích và sản lượng vú sữa tím để phục vụ xuất khẩu

Nằm sát với sông Hậu, từ lâu, tỉnh Sóc Trăng được xem là vùng đất trù phú, màu mỡ có tiềm năng lớn về các loại cây ăn trái đặc sản, đặc biệt là trái vú sữa tím với mẫu mã đẹp và chất lượng cao.
vu-sua-tim-1697536637.jpeg
Vú sữa tím Sóc Trăng - Ảnh minh họa.

Vú sữa là một trong những loại trái cây được xếp vào sản phẩm đặc sản trong quy hoạch phát triển cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng. Ngoài các giống vú sữa thường, hiện nay trái vú sữa tím Sóc Trăng xuất khẩu được sang thị trường Hoa Kỳ trong nhiều năm qua đã góp phần tăng thu nhập cho nhà vườn.

Từ lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính Hoa Kỳ vào năm 2018, đến nay, Sóc Trăng đã trở thành địa phương có sản lượng vú sữa xuất khẩu lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2020 - 2021, tỷ trọng xuất khẩu loại đặc sản vú sữa của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ gấp 3 lần so năm 2019 và gấp 8 lần so với năm đầu tiên. Vụ mùa năm 2022, các hợp tác xã đã xuất khẩu tổng cộng trên 153 tấn vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ và một số nước khác.

Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Sóc Trăng có diện tích vườn cây vú sữa hơn 2.300 ha, trong đó, huyện Kế Sách là vùng trồng nhiều vú sữa nhất với gần 2.000 ha, chủ yếu là giống vú sữa tím, tập trung tại các xã Thới An Hội, Xuân Hòa, Trinh Phú, Ba Trinh.

Để phát triển cây vú sữa, thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất vú sữa tím, đồng thời, tuyên truyền bà con tăng cường các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và xây dụng thương hiệu cho trái vú sữa tím ở địa phương.

Đồng thời, địa phương cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ trên cây vú sữa,” mục tiêu là hướng đến sản phẩm sạch an toàn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần tăng giá trị cho trái vú sữa và đem lại thu nhập cao cho nông hộ.

Bên cạnh đó, trong Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, vú sữa tiếp tục được xác định là sản phẩm chủ lực trong 6 nhóm cây ăn trái được lựa chọn với quy mô diện tích vùng trồng dự kiến sẽ được mở rộng lên đến 2.370 ha, sản lượng vú sữa của tỉnh theo đó sẽ tăng tỷ lệ thuận với diện tích gieo trồng.

Hương Lan