Nam Định khắc phục sự cố vỡ kè khu du lịch biển Thịnh Long

Mặc dù bão số 8 không ảnh hưởng trực tiếp, song tại khu vực ven biển thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có mưa to, gió lớn khiến triều cường dâng cao làm cho tuyến kè khu du lịch tại đây vốn đã bị sạt lở nhiều vị trí từ các năm trước lại càng lan rộng. Nhiều cơ sở kinh doanh tại đây đang đứng trước nguy cơ bị sóng cuốn ra biển.
sat-lo-2-2109-20201019-393-211449-1634728464.jpeg
Nam Định khắc phục sự cố vỡ kè khu du lịch biển Thịnh Long

Tuyến kè khu du lịch biển Thịnh Long đã bị sóng đánh vỡ nhiều vị trí, sạt lở đã vào tới sát phần móng các ki ốt của những hộ kinh doanh ven biển. Hiện những quán ăn, nhà hàng này có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào nếu triều cường tiếp tục dâng cao và hoạt động mạnh liên tục.

Ông Bùi Văn Dũng, chủ một cơ sở kinh doanh ăn uống tại thị trấn Thịnh Long cho biết, dù bão không ảnh hưởng trực tiếp nhưng triều cường dâng cao khiến cho nhiều vị trí mái kè, tường chắn sóng, con đường bê tông chạy dọc biển bị hư hỏng nặng. Nếu không được khắc phục kịp thời, sạt lở sẽ ngày càng lan rộng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ven biển đứng trước nguy cơ bị sóng cuốn ra biển.

Năm 2017, do ảnh hưởng mưa bão đã làm sạt kè, tường chắn sóng, đường bê tông ven biển với tổng diện tích trên 560 m2. Tháng 12/2019, sóng lớn kết hợp với triều cường đã làm tuyến kè biển này bị sạt lở tại 2 vị trí, dài hơn 30 m. Tháng 8/2020, do ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp với triều cường đã làm khu du lịch này tiếp tục bị sạt lở tại 7 vị trí, với tổng diện tích các hố sạt hơn 135 m2.

Từ tháng 10-11/2020, do ảnh hưởng của bão gió kết hợp với triều cường đã làm cho hơn 200 m kè tại đây bị sập toàn bộ mái kè, tường chắn sóng, cùng với đó là trên 700m đường bê tông cũng bị sạt, sụt có chỗ lan rộng cả chục mét vào tới sảnh các nhà hàng. Đầu năm 2021 đến nay, các vị trí sạt lở trước vốn chưa được khắc phục tiếp tục lan rộng.

Tuyến kè khu du lịch biển thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu dài gần 2 km, bảo vệ hệ thống hạ tầng các ki ốt, nhà hàng, hạ tầng khu du lịch; bảo vệ tuyến đê biển Thịnh Long cách đó khoảng 200 m; cũng như bảo vệ các cơ quan hành chính như Chi nhánh Ngân hàng, Bưu điện, Công an, bến xe khách với tổng số lao động làm việc lên tới gần 1.000 người. Sau khi xảy ra sự cố sạt lở, nhiều hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của người dân tại đây chịu ảnh hưởng lớn.

Anh Trần Xuân Sắc, chủ cơ sở kinh doanh tại khu du lịch biển Thịnh Long cho hay, từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các vị trí sạt lở không được khắc phục đã khiến cho hoạt động kinh doanh du lịch tại đây bị tê liệt. Lo sợ sóng biển sẽ đánh sập kiốt, anh Sắc và nhiều chủ kinh doanh tại đây đã tự bỏ hàng trăm triệu đồng để đổ bê tông, gia cố phần móng kè. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nếu bão về hoặc thuỷ triều dâng cao thì nguy cơ mất ki ốt vẫn thường trực.

Theo ông Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long, do ảnh hưởng của bão gió, từ nhiều năm trước bờ kè khu du lịch Thịnh Long đã bị sạt lở, đến năm nay các vị trí sạt lở cũ do chưa kịp khắc phục kịp thời đã lan rộng hơn. Địa phương đang cùng với các ngành chức năng của huyện Hải Hậu thống kê các vị trí sạt lở để trình lên cấp trên sớm có phương án sửa chữa, khắc phục để bảo vệ hệ thống hạ tầng các ki ốt, nhà hàng, hạ tầng khu du lịch và bảo vệ tuyến đê biển phía bên trong kè.

Ông Phan Văn Cương, Hạt phó Hạt quản lý đê huyện Hải Hậu thông tin, những năm gần đây ngoài ảnh hưởng của bão gió thì còn một hiện tượng rất đặc biệt nữa là hiện tượng thuỷ triều dâng, đây là hiện tượng rất nguy hiểm. Chẳng hạn như năm 2017, bão không vào Nam Định nhưng tại khu vực biển Thịnh Long thuỷ triều dâng cao, sóng tràn qua thân đê gây sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đê biển.

Từ thực tế trên, ông Phan Văn Cương đề xuất, tỉnh Nam Định cần sớm đầu tư thêm các mỏ kè chữ T để bảo vệ đê, các mỏ kè này sẽ giúp giảm được năng lượng sóng tác động vào mái kè và thân đê, giúp gây bồi, nâng cao bãi, bảo vệ đê cũng như bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân trước mối đe doạ ngày càng lớn từ thiên nhiên.