Năm 2024, tỉnh Phú Thọ dành 11,8 tỷ đồng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực

Kế hoạch năm 2024, tỉnh Phú Thọ dành 11,8 tỷ đồng tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực. Phấn đấu hết năm 2024, toàn tỉnh phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên.
ocop-phu-tho-03-1710729362.jpg
Năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có thêm 109 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên. (Ảnh minh họa)

Dành hơn 11,8 tỷ đồng phát triển sản phẩm OCOP

Phú Thọ được biết đến là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất cây ăn quả có múi, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất chè, rau an toàn và rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều loại nông sản và đặc sản độc đáo, phong phú như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương làng Cổ Đất Tổ, Bún Gạo Hùng Lô …

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có thêm 109 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên nâng tổng số thành 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Đề nghị Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt hạng 5 sao là Chè búp tím Thanh Ba và sản phẩm Mì gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô của Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô.

Kế hoạch năm 2024, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn gắn với phát triển hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề nông thôn, du lịch dịch vụ và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm “OCOP Phú Thọ” có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu.

ocop-phu-tho-02-1710729345.jpg
Phấn đấu hết năm 2024 Phú Thọ phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, phấn đấu hết năm 2024 Phú Thọ phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó: phát triển 67 sản phẩm mới hạng 3 sao; 4 sản phẩm mới hạng 4 sao; 7 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 2 sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Lũy kế hết năm 2024 có 308 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên; giá trị sản phẩm hàng hóa từ sản phẩm OCOP tăng trên 12% so với năm 2023; giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, thu nhập tăng trên 10% so với năm 2023.

Tỉnh Phú Thọ cũng xây dựng kế hoạch thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 25-30 hợp tác xã, tổ hợp tác và 25-30 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; có thêm thêm 35-40 xã có sản phẩm tham gia; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm OCOP được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 50%; Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 của tỉnh Phú Thọ là hơn 11,8 tỷ đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Xác định công tác xúc tiến thương mại là khâu then chốt của chương trình, Sở NN&PTNT đã ban hành các văn bản gửi UBND huyện, thành, thị thông báo tới các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại, Festival như: Festival nông sản Việt Nam - Vĩnh Long, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Hội chợ thương mại và đầu tư quốc tế Hà Nam, hội chợ tại các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình và thành phố Hà Nội...

Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với huyện, thành, thị lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và chủ thể OCOP tiêu biểu tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội. Đồng thời duy trì, phát triển điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn có trên 300 gian hàng với hơn 950 sản phẩm dịch vụ trên Sàn. Sàn đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

ocop-phu-tho-01-1710729450.jpg
Sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ được giới thiệu tại Liên hoan Ẩm thực quốc tế năm 2023. (Ảnh minh họa)

Năm 2023, hơn 150 doanh nghiệp, 310 gian hàng của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, diễn đàn kết nối cung - cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số.

Sở Công Thương cũng đã thực hiện hỗ trợ 11 đơn vị áp dụng giải pháp công nghệ tem điện tử QR Code trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh với số lượng 140.000 tem. Việc hỗ trợ các đơn vị áp dụng tem điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả, giới thiệu với người tiêu dùng khái quát về đơn vị sản xuất cũng như toàn cảnh sản phẩm của đơn vị. Đây cũng là một bước đi trên con đường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị để nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường bán sản phẩm tới các phân khúc thị trường cao cấp.

Việc triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đóng góp tích cực cho khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy, nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương thông qua tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường.

Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để tiếp tục triển khai có kết quả Chương trình OCOP, trong thời gian tới cần có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của các chủ thể và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách, có phương thức huy động nguồn lực phù hợp để hỗ trợ cho chương trình.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong, ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn./.

Bình Châu