Muốn tiêu thụ nông sản bền vững cần tổ chức lại sản xuất

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản bền vững, là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm.

Định vị lại thị trường

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho biết, cử tri rất lo lắng về tình trạng ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía bắc gây nên nhiều khó khăn, tốn kém rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Một trong những nguyên nhân là do chính sách nhập khẩu liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nông sản phía Trung Quốc có nhiều thay đổi, đòi hỏi chất lượng nhập khẩu ngày càng cao hơn, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước châu Âu và Hoa Kỳ.

Đại biểu Hoàng Anh Công đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết cần có giải pháp gì để giúp người nông dân nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản, qua đó để tăng cường xuất khẩu, xây dựng một nền xuất khẩu bền vững.

Tương tự, theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông), sản xuất nông nghiệp có thể khẳng định là thế mạnh cho nền kinh tế nước ta trong những điều kiện, tình huống khó khăn. Tuy nhiên, mặc dù nông nghiệp có phát triển, nhưng đời sống của người nông dân chưa cao, việc tiêu thụ còn phụ thuộc và một số thị trường… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết những giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua, tình trạng ùn ứ nông sản đột biến xảy ra trong thời gian ngắn, do vấn đề kiểm soát dịch bệnh giữa Việt Nam và Trung Quốc khác nhau. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ thị trường Trung Quốc ngày càng "khó tính" hơn.

Khi họ thay đổi phương pháp ứng phó kiểm soát dịch bệnh, thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa, thì Việt Nam chậm thay đổi khi rất nhiều năm rồi quen với việc thị trường Trung Quốc "dễ tính".

01-4-1614050706-1654597245186762269878-1654676258.jpg
Tổ chức lại ngành hàng để dẫn dắt nông dân thay đổi tư duy từ chỗ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.

"Việc này có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương khi chậm thông tin đến bà con nông dân. Mặc dù chúng tôi cũng đã nhiều lần tổ chức phổ biến, truyền thông đến bà con nông dân, nhưng chúng ta có tới 10 triệu hộ nông dân, trong thời gian ngắn ai truyền thông được?", "tư lệnh" ngành nông nghiệp chia sẻ.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, chỉ có cách duy nhất là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại ngành hàng để dẫn dắt nông dân thay đổi tư duy từ chỗ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, định vị lại thị trường.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết thêm: Bộ NN&PTNT cũng đã thông qua Bộ Ngoại giao xây dựng dự thảo riêng để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ là xuất khẩu chính ngạch, để hàng hóa "danh chính ngôn thuận" ra thị trường. Muốn hàng hóa đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, chuẩn hóa các mặt hàng, ngành hàng.

Theo thống kê, hằng năm có hàng nghìn thay đổi của các thị trường nhập khẩu nông sản, nghĩa là trung bình một tháng có cả trăm thay đổi của các quốc gia. Có thay đổi họ yêu cầu Việt Nam phải đáp ứng ngay, nhưng cũng có thay đổi họ cho thời gian để thích ứng. Chúng ta phải chủ động thay đổi cách sản xuất mới thích ứng được sự thay đổi chóng mặt của thị trường.

Tăng cường chế biến và xây dựng thương hiệu

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ thêm về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản. Theo đó, cần phân biệt thế nào là nhãn hiệu, thế nào là thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng ký với Bộ KH&CN, nhưng thương hiệu thì bao gồm nhãn hiệu và niềm tin của người tiêu dùng.

"Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của ngành hàng, của sản phẩm. Thương hiệu bắt đầu từ cảm xúc của người tiêu dùng. Để xây dựng thành công một thương hiệu nông sản có khi phải 5 năm, 10 năm mới xây dựng được và phải bắt đầu từ ngành hàng, chứ không phải từ Bộ NN&PTNT", ông Lê Minh Hoan nói.

Cũng về vấn đề xuất khẩu nông sản, đại biểu Nguyễn Vân Thi (đoàn Bắc Giang) đưa ra câu hỏi: Kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng đa phần là xuất khẩu thô, phụ thuộc vào một vài thị trường, vậy Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để tăng tỉ lệ nông sản chế biến, tỉ lệ chính ngạch và mở rộng các thị trường xuất khẩu trong thời gian tới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Công bằng mà nói, trong các mặt hàng nông sản, có nhiều ngành hàng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến chiếm tỉ trọng lớn như thủy sản, gỗ, cao su… Tuy nhiên, cái khó và rủi ro nhất hiện nay có thể nhận thấy là các mặt hàng trái cây".

"Tư lệnh" ngành NN&PTNT cho biết, hiện nay, đã có các doanh nghiệp tham gia vào chế biến các mặt hàng trái cây tại Sơn La, Gia Lai… Điểm chung là các doanh nghiệp đánh giá cao tính liên kết của nông dân ở những vùng nguyên liệu này. Khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến phải đảm bảo được chất lượng đầu vào của sản phẩm và tính liên tục, chứ không thể hoạt động vài tháng, còn lại đóng cửa. Ngoài ra, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư còn phải giải quyết vấn đề nông dân không bán hàng cho nhà máy. Đây là vấn đề liên quan đến liên kết sản xuất. Hiện nay, vấn đề này mới chỉ giải quyết bằng niềm tin, giữa nông dân với doanh nghiệp và ngược lại.

Việc thay đổi tư duy toàn ngành nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là một quá trình. Bộ NN&PTNT cho biết, chiến lược tới đây và các chính sách nội ngành đều bám theo mục tiêu đó, tích hợp đa giá trị và lấy thị trường làm mốc để quyết định điều chỉnh chính sách, chủ trương phát triển ngành cho phù hợp.