Muốn phát triển bền vững phải chú trọng yếu tố tăng trưởng xanh

Phát triển bền vững đã, đang trở thành mục tiêu chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là xu hướng toàn cầu hướng tới sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.
08-quyet-tam-18017-489-1649897882.jpg
Minh họa

Trong đó, tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đòi hỏi sự tăng trưởng phải đảm bảo dung hòa cả 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường, giải quyết một cách đồng thời, hài hòa các vấn đề về môi trường và phát triển.

Hơn 30 năm kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị trí trên trường quốc tế với những bước tăng trưởng vượt bậc cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu tài nguyên dạng thô, trong khi đó tài nguyên thiên nhiên được xem là một trong 4 động lực cơ bản quan trọng nhất của tăng trưởng đã bị khai thác quá mức, thiếu kế hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường và đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội.

 Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra; môi trường ngày càng suy thoái; thiên tai, thảm họa diễn biến thất thường gây nhiều thiệt hại về người và của; đồng thời gây những áp lực lớn cho phát triển đất nước. Các vấn đề về suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, nguy cơ đe dọa an ninh lương thực, thiếu hụt năng lượng đang ngày càng hiện hữu.

Do hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường nên việc giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính được coi là vấn đề mấu chốt, nằm trong số những chỉ tiêu quan trọng của tăng trưởng xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính sẽ  là 787,4 triệu tấn vào năm 2030 nếu như Việt Nam không có các biện pháp nỗ lực mạnh mẽ.

Do vậy, phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường. Tăng trưởng xanh chính là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong các giai đoạn sau này của Việt Nam và theo xu hướng tăng trưởng của thế giới. Điều này cũng phù hợp với quan điểm và định hướng phát triển của Đảng cũng như quan điểm, mục tiêu và định hướng của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam.  

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu chung đặt ra là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, góp phần quan trọng đẩy lùi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh tăng trưởng xanh phải đặt con người làm trung tâm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghiệp hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Để làm được điều đó cần có sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Những nỗ lực của Việt Nam để tăng trưởng GDP mà vẫn duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời tác động đến môi trường ở mức thấp nhất trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực từ mọi phía.

Trong đó, Chiến lược tăng trưởng xanh là một trong số ít những chiến lược có định hướng lâu dài của Chính phủ (định hướng đến năm 2050) với cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong các giai đoạn.

Theo đó định hướng đến năm 2030 giảm mức phát thải mỗi năm ít nhất 1,5-2% GDP, giảm lượng phát thải trong các hoạt động năng lượng từ 20-30%. Đến năm 2050 giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2%; Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường...

Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.Việt Nam từng dẫn đầu các thị trường mới nổi khác về thu hút vốn FDI trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Điều đó cho thấy lộ trình tăng trưởng xanh tại Việt Nam gặp khá nhiều thuận lợi khi có sự điều hành nghiêm túc của Chính phủ và sự quan tâm của cả nguồn lực nước ngoài.

Vừa qua, năng lượng tái tạo đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất lắp đặt hệ thống và 6% sản lượng thương phẩm của Việt Nam. Sự tăng trưởng tích cực của năng lượng tái tạo đã góp phần không nhỏ trong giảm thiểu khí nhà kính. Đồng thời, với ước tính sẽ tránh được khoảng 115 triệu tấn khí thải CO2 giảm mỗi năm, khi Chính phủ phát triển năng lượng tái tạo và cắt bỏ 20 nghìn MW nhiệt điện ra khỏi quy hoạch, Việt Nam đang tiến đến gần hơn nữa các mục tiêu của tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững./.

Tú Anh TH