Một năm sầu riêng “đại thắng” dù xuất khẩu tỷ đô vẫn ngổn ngang chưa hết mối lo

Năm 2023 đánh dấu bước tăng trưởng mạnh mẽ của trái sầu riêng. Lần đầu tiên, sầu riêng Việt Nam lọt vào nhóm trái cây xuất khẩu tỷ đô. Tuy nhiên, nhìn lại thị trường sầu riêng trong năm qua vẫn còn nhiều mối lo khi tình trạng tranh mua, bẻ kèo, gian lận mã số vùng trồng... vẫn gây ra nhiều hệ lụy.

gia-sau-rieng-01-1703495738.jpg

Sầu riêng đang là trái cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất so với 10 loại trái cây đặc sản khác ở nước ta.

Vinh danh trên “đại lộ” xuất khẩu tỷ đô

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng rất mạnh, từ mức chỉ đạt kim ngạch 29,2 triệu USD vào năm 2016 thì đến năm 2022 tăng vọt lên 420 triệu USD. Bước sang năm 2023, chỉ trong 10 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD và được dự báo sẽ đem về kim ngạch 2 tỷ USD trong cả năm.

Người trồng sầu riêng cũng phấn khởi bởi sầu riêng được giá. Tuy có những thời điểm giá sầu riêng biến động nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cao cho nhà vườn. Khảo sát tại các vùng trồng sầu riêng, với giá hiện nay nhà vườn thu lãi trên 60.000 đồng/kg. Sầu riêng đang là loại trái cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất so với 10 loại trái cây đặc sản khác ở nước ta. Trước thời điểm Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng có thu nhập tiền tỷ.

Đã qua thời điểm chính vụ, hiện nay, nhiều nhà vườn rất phấn khởi vì thu hoạch vườn cây sầu riêng nghịch vụ với giá rất cao. Thương lái đến tận vườn mua trái sầu riêng giống Monthong giá từ 138.000-140.000 đồng/kg; các giống khác giá cũng từ 110.000-130.000 đồng/kg.

gia-sau-rieng-02-1703495915.jpg

Khảo sát tại các vùng trồng sầu riêng, với giá hiện nay nhà vườn thu lãi trên 60.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại khu vực miền Tây Nam bộ giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô đạt 105.000 – 120.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 đẹp đứng ở mức 117.000-105.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp ở mức 147.000 – 150.000 đồng/kg; sầu riêng Thái xô ở mức 132.000 – 135.000 đồng/kg.

Thời điểm này, giá sầu riêng tại khu vực miền Đông Nam bộ: Giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 xô có mức giá thương lái thu mua 105.000 – 118.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp ở mức 143.000 -145.000 đồng/kg; trong khi đó sầu riêng Thái xô đứng ở mức 130.000 – 132.000 đồng/kg.

Còn tại khu vực Tây Nguyên, dịp cuối năm, giá sầu riêng Ri6 đẹp và sầu riêng Ri6 Xô ở mức giá thương lái mua 105.000 – 118.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp có mức 143.000 -145.000 đồng/kg; trong khi đó sầu riêng Thái xô giữ ở mức 130.000 – 135.000 đồng/kg.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2023 xuất khẩu rau quả của Việt Nam dự kiến sẽ đạt từ 5,5 - 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu đứng đầu, trong đó riêng sầu riêng đang hướng tới mốc 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu tại thị trường tỷ dân.

Vẫn nan giải bài toán thương hiệu và phát triển bền vững

Để có được thành tích này, theo Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn với sự tăng trưởng đều và mạnh mẽ. Chưa có nhiều quốc gia được mở cửa thị trường sầu riêng tươi tại Trung Quốc, trong khi sầu riêng Việt có lợi thế về thời gian vận chuyển và đảm bảo độ tươi, mùa thu hoạch xuyên suốt cả năm; công tác triển khai đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở bao gói và hướng dẫn các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu...tiến hành nhanh; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá được triển khai kịp thời.

Tuy nhiên, có một thực trạng là sầu riêng Việt chưa có thương hiệu và câu chuyện liên kết từ vườn tới chợ vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp thu mua sầu riêng chia sẻ: Sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp đã ồ ạt đi đăng ký mã số vùng trồng và tranh thủ ký hợp đồng với người nông dân cũng như các chủ vườn trồng sầu riêng.

Tuy vậy, thời điểm đặt cọc giá thấp, tới khi thu hoạch giá lại vọt lên cao dẫn tới tình trạng người nông dân bẻ kèo, bẻ cọc với doanh nghiệp để bán cho cò. Các doanh nghiệp xuất khẩu do không mua được hàng hoặc giá bán bị đẩy lên cao dẫn đến phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu.

gia-sau-rieng-3-1703495993.jpg

Lần đầu tiên, sầu riêng Việt Nam lọt vào nhóm trái cây xuất khẩu tỷ đô.

Ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk) cho biết đang liên kết với 2 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng bị ảnh hưởng khi thương lái, cò ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.

"Việc tranh mua, bán diễn ra thường xuyên. Doanh nghiệp báo giá cho nông dân buổi sáng, đến chiều cơ sở vãng lai tăng thêm hai giá. Thậm chí, họ dòm ngó chọc ngoáy để nông dân bỏ liên kết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang 'đánh nhau' và tự thua trên sân nhà", ông Chiến nói.

Ngoài ra, ông Chiến cũng cho biết có tình trạng đáng báo động là vùng trồng của các hợp tác xã đều được phía Trung Quốc cấp mã nhưng khi thương lái và cơ sở vãng lai thu mua họ lại sử dụng mã vùng trồng khác để đóng gói.

"Nếu để tình trạng này tiếp diễn, các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường tỷ dân", ông cảnh báo.

Do đó, ông Chiến đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp, quản lý mã số vùng trồng. Để tình trạng "tranh mua, tranh bán" chấm dứt ông cho rằng hợp tác xã và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các chế tài để răn đe các cơ sở kinh doanh, đơn vị làm nhiễu loạn thị trường.

Trước những phản ánh của doanh nghiệp, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) cho rằng Cục Bảo vệ Thực vật cũng đang rà soát, đề nghị các địa phương thu hồi, tạm dừng xuất khẩu những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái sầu riêng, vi phạm kiểm dịch.

Theo ông, khi có sự cố, phía Trung Quốc sẽ truy xuất nguồn gốc về nơi đã đăng ký và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, ông Nam đề nghị các cơ sở kinh doanh cần tìm hiểu và tuân thủ nghiêm những nội dung trong nghị định thư, tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín và tính bền vững của chuỗi ngành hàng sầu riêng.

Mong muốn tháo gỡ nút thắt "tranh bán tranh mua và bẻ cọc", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý Nhà nước cần chung tay hợp tác sâu hơn để sầu riêng không rơi vào bi kịch.

Theo ông Lê Minh Hoan, nông nghiệp hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nên chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin điều chỉnh sản xuất. Các bên trong chuỗi liên kết phải bỏ được suy nghĩ: "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ". Doanh nghiệp phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây, đã không thể kiểm soát được.

“Đã đến lúc Việt Nam kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam” Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Trọng Đạt