Báo chí thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp
Báo chí không những có vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị - văn hóa - xã hội, mà nó còn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế. Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp, người ta thấy rõ vai trò không thể thiếu của báo chí trong sự đồng hành, hợp tác và hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Cho đến khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được thông qua, dư luận lại một lần nữa thấy sự vào cuộc, đấu tranh không mệt mỏi của báo chí trong việc dỡ bỏ các giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng ra đời và hoạt động hơn. Và suốt từ đó đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ doanh nghiệp, hầu hết các tờ báo về kinh tế - chính trị - xã hội ở tất cả các loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đã tham gia; dành thời lượng rất lớn, diện tích, vị trí quan trọng trên mặt báo để đưa tin, viết bài về tất cả những vấn đề đáng chú ý của doanh nghiệp.
Theo đó, báo chí giúp doanh nghiệp cập nhật nhanh chóng hầu như mọi chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, kịp thời thay đổi các chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Đồng thời báo chí giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng có được định hướng thị trường, nhanh chóng mang các sản phẩm, dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng hơn.
Đặc biệt, thông qua báo chí, doanh nghiệp biết được phản hồi của thị trường, của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của mình để kịp thời điều chỉnh, thay đổi sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, thông qua báo chí, mọi thông tin, hình ảnh truyền thông, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được phủ rộng, đến với khách hàng nhanh chóng, đầy đủ và chính xác nhất. Có thể nói, báo chí là một trong những phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất hiện nay trong việc đưa tin xây dựng và quảng bá doanh nghiệp.
Trong những năm qua, mọi vấn đề, mọi khía cạnh, tin tức về đời sống doanh nghiệp đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí. Từ những vấn đề như kinh nghiệm thương trường, những mô hình, những thành công của các doanh nghiệp, doanh nhân, cho đến những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều được phản ánh khá đậm nét ở hầu hết các tờ báo.
Nhìn chung, thông tin kinh tế trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trong những năm gần đây ngày càng đa dạng, phong phú và đa phương diện hơn trong cách lựa chọn, nhìn nhận và phân tích. Từ đó phần nào đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp trong nước cũng như đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Chúng ta có thể tìm thấy đủ các loại và cấp độ thông tin kinh tế trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng như: Thông tin về nguồn vốn, đối tác kinh doanh, tâm lý người tiêu dùng, khoa học công nghệ, thị trường nhân công, đào tạo lao động… Đó là những đóng góp không thể phủ nhận của báo chí đối với công cuộc đổi mới nền kinh tế nước ta cũng như công cuộc xây dựng, phát triển của mỗi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và Báo chí - Mối quan hệ hợp tác, đồng hành
Báo chí là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp và báo chí có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Doanh nghiệp cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất - kinh doanh; quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, khích lệ thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội.
Doanh nghiệp còn là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng, không thể thiếu đối với hoạt động xã hội của các cơ quan báo chí. Các sự kiện chính trị - xã hội do báo chí tổ chức, nhất là những cuộc vận động xã hội, vì mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai hay gần đây là chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… đều có sự hỗ trợ, đồng hành tích cực của doanh nghiệp.
Đã có những khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, gần như 100% các doanh nghiệp tư nhân khi được hỏi đều cho biết, đến 80 - 90% thông tin về chính sách, pháp luật họ nắm bắt được là qua các phương tiện thông tin đại chúng, bởi không có phương tiện nào truyền tải các luật, nghị định, thông tư… nhanh và đầy đủ hơn báo chí.
Ngược lại, báo chí cũng phải hướng tới các doanh nghiệp, không chỉ là những khách hàng lớn về quảng cáo, truyền thông, đối tượng đọc báo lớn… mà doanh nghiệp cũng cung cấp những chủ đề, thông tin bất tận cho báo chí để phục vụ đông đảo công chúng. Có thể thấy, ở bất cứ những hội nghị, hội thảo, tọa đàm nào có nội dung về hoạt động, chính sách, môi trường kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp đều có sự tham gia tích cực, đông đảo của báo chí.
Qua việc phản ánh, đưa tin về đời sống kinh doanh của các doanh nghiệp, những thành công, thất bại cũng như những vướng mắc, khó khăn của họ, báo chí thực hiện được vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa báo chí và Chính phủ, với các cơ quan nhà nước, để những chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đến doanh nghiệp được phản ánh về cả những tác động tích cực và tiêu cực của nó. Từ đó, Chính phủ cũng như các cơ quan Nhà nước có những điều chỉnh tích cực, hợp lý. Có thể thấy, không có một vấn đề bức xúc nào, ở trong bất cứ thời điểm nào của các doanh nghiệp lại không được phản ánh trên mặt báo. Ở nhiều tờ báo, còn có cả những phòng ban, những phóng viên chuyên trách được giao chỉ tập trung đưa tin, viết bài về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
Thậm chí, “Thương hiệu” của phóng viên còn gắn với thương hiệu của từng doanh nghiệp. Ngược lại, ở không ít doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, người lãnh đạo doanh nghiệp còn nhận thấy vai trò tích cực của báo chí trong việc phát triển thương hiệu qua việc họ lập ra phòng, ban về quan hệ với báo chí với những nhân viên chuyên trách để thường xuyên cung cấp thông tin, giữ quan hệ với báo giới.
Tất cả những điều trên cho thấy, mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp đang ngày càng có mối quan hệ khăng khít, tương hỗ, vì cái đích chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trước những biến động mạnh mẽ của thị trường và những khó khăn chung của nền kinh tế, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay mà thực tiễn đang đặt ra là cần không ngừng thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp.
Theo đó, để nâng cao hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan báo chí đều cần hướng tới sự chuyên nghiệp trong cung cấp và xử lý thông tin. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn, góp phần quan trọng tạo ra những thương hiệu, sản phẩm Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, vì lợi ích của cộng đồng cũng như sự phát triển đất nước.
Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp chính là con đường để báo chí, doanh nghiệp cùng chia sẻ mọi khó khăn cũng như thuận lợi; qua đó cùng hướng tới mục tiêu chung: Vì sự phát triển toàn diện mọi mặt của đất nước trong quá trình hội nhập./.