Thanh Hóa đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông sản xuất khẩu, với khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động sôi nổi. Xứ Thanh đã cung cấp ra thị trường quốc tế một loạt các sản phẩm chất lượng cao như: dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp.... đã tạo được dấu ấn riêng và được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng.
Các thị trường xuất khẩu chính của Thanh Hóa tập trung vào các nước có nền kinh tế phát triển và yêu cầu chất lượng cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ và một số nước thuộc EU. Việc thâm nhập thành công vào những thị trường này đã góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Thanh Hóa, đồng thời khẳng định vị thế của tỉnh trên bản đồ nông sản thế giới.
Đặc biệt, với nhiều chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được một số vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện đã có 79 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã, với diện tích 661,92ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Định, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Ngọc Lặc... Việc cấp mã số vùng trồng như “hộ chiếu” giúp nông sản Thanh Hóa có điều kiện tiếp cận thị trường các nước. Cùng với đó, toàn tỉnh cũng có hơn 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp sáng chế.
Ngoài ra, còn có hàng chục sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh, gồm mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn Thọ Xuân, quế ngọc Thường Xuân; 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái... hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu. Qua đó, đã nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.
Ghi nhận tại Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ván ép lớn của tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, công ty luôn nỗ lực, tạo ra các sản phẩm chất lượng, từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế với hơn 200 container ván ép được xuất khẩu mỗi tháng đến Mỹ và EU.
Ông Phạm Đình Thắng, giám đốc công ty cho biết: “Với chất lượng sản phẩm vượt trội và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn đã tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu thị trường ngày càng tăng và cước vận tải biển giảm để mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ và EU. Điều này đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu của công ty trong năm nay”.
Hay như Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Để nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đã đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong tất cả các khâu sản xuất, từ đóng chai, dán nhãn đến ngâm ủ mắm... Nhờ vậy đã nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, quy cách đóng chai, được khách hàng ưa chuộng.
Theo lãnh đạo Công ty, hiện sản phẩm nước mắm và mắm tôm Lê Gia đang được bán tại hệ thống Siêu thị Winmart, Winmart+, Aeon, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega market... và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Đặc biệt, hai năm gần đây, một số sản phẩm mắm Lê Gia đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Sec, Hàn Quốc, Nam Phi, Pananma, Australia, Singapore...
Để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông sản, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đã chủ động tổ chức sản xuất, mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện cơ sở sản xuất để từng bước nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, nhạy bén trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương./.