Năm 2018, nhiều hộ dân trong trong vùng đầu tư nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, còn anh Dũng thì đi học hỏi các mô hình nuôi dúi hiệu quả ở các tỉnh lân cận, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua gạch lát nền nhà về ghép thành 150 ô, mỗi ô rộng 0,5m2 làm chuồng nuôi dúi giống và dúi thương phẩm bán. Anh lăn lội đến tỉnh Tuyên Quang tìm mua 10 cặp Dúi Mốc to về nuôi với giá 41 triệu đồng, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên dúi giống, dúi thịt bán được vài lứa thì đàn dúi bị bệnh và cắn nhau chết dần, chỉ còn sót lại vài cặp. Bước đầu thất bại nhưng anh vẫn quyết tâm mày mò, tìm hiểu để học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi Dúi. Anh Dũng chia sẻ: “Mỗi ngày Dúi được cho ăn 2 lần, nếu buổi sáng được ăn rễ tre, nứa thì chiều thay bằng thân mía (tre, nứa, mía không được quá non hoặc quá già). Ngoài ra cần bổ sung bắp ngô, rễ tre, rễ cỏ tranh… để dúi có thêm chất dinh dưỡng. Đặc biệt loài vật này kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao”.
Anh tiếp tục bỏ tiền mua thêm giống về nuôi. Không phụ công sức của anh, vài năm trở lại đây do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật và tích lũy được kinh nghiệm chăn nuôi nên Dúi sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Hiện trong chuồng có khoảng 150 con, có thời điểm trên 200 con, dúi con sinh ra để nuôi dúi thịt và bán dúi giống. Đến thời kỳ xuất bán, anh bán theo đợt hoặc bán lẻ và chủ yếu là khách quen đặt mua. Nếu bán lẻ, thường được giá cao hơn, có thời điểm dúi nuôi của gia đình anh không đủ bán. Ba năm gần đây, mỗi năm cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Năm 2023, anh Dũng dự kiến thu về 200 triệu đồng. Năm 2024, gia đình sẽ tăng đàn Dúi Mốc và nuôi thêm giống Dúi Má Đào. Ông Bàn Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Phong cho biết: “Xã Dương Phong có khí hậu và địa hình thích hợp để loài Dúi sinh trưởng và phát triển tốt, không chỉ trong môi trường nuôi nhốt mà cả ngoài tự nhiên. Dúi có rất nhiều nguồn thức ăn. Mô hình nuôi Dúi tại địa phương là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Hội Nông dân xã luôn khuyến khích hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư và nhân rộng mô hình nuôi Dúi, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xoá đói giảm nghèo…”
Dúi là loài dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là ngô, khoai, sắn, tre, cỏ voi, mía…, ít bị dịch bệnh. Để giảm chi phí đầu vào, ngoài cỏ voi, sắn, ngô gia đình tự trồng còn lại chỉ mua bổ sung thêm mua ít thức ăn ngoài khoảng 10 triệu đồng mỗi năm. Giai đoạn sinh sản, dúi ăn ít hơn bình thường, phải tách chuồng nuôi riêng và thường xuyên quan sát tình trạng phát triển. Trung bình mỗi năm dúi mẹ sinh 2 lứa, mỗi lứa 2 – 3 con. Mỗi con non từ khi sinh ra khoảng 2 – 3 tháng là có thể đem bán làm con giống, những con dúi thương phẩm sau 6 – 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5kg. Khi ghép đôi dúi bố mẹ phải theo dõi thường xuyên xem chúng có cắn nhau không, sau khoảng 15 ngày thì tách đôi để dúi mẹ dưỡng thai và sinh con. Khi dúi sinh được 1 tháng thì chuyển sang chuồng nuôi riêng. Có thể thấy, đây là một mô hình nuôi chăn Dúi giống và thương phẩm có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương./.