Mô hình du lịch MICE có ưu điểm là có thể mang lại doanh thu lớn nhờ số lượng khách đông và cùng lúc. Ngoài ra, có thể khai thác nhiều dịch vụ với mức chi tiêu cao hơn so với các đoàn khách thông thường. Tuy nhiên, du lịch MICE cũng đòi hỏi chất lượng nhân sự cao hơn so với các loại hình du lịch khác. Do vậy, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương là yếu tố cốt lõi, cần chú trọng.
Theo Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 256 cơ sở lưu trú du lịch, tăng gần 19% so với đầu năm 2021. Trong đó, có 34 khách sạn được công nhận từ 1-5 sao, 68 khách sạn chưa xếp hạng, 133 nhà nghỉ, 7 nhà khách, 10 homestay, 3 căn hộ du lịch…, với 5.357 buồng phòng, đáp ứng nhu cầu và phục vụ các đoàn khách du lịch MICE.
Trong nỗ lực thu hút du khách trong và ngoài nước, tỉnh Đắk Lắk đang ưu tiên đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng. Mục tiêu là tạo nên trải nghiệm khác biệt, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng nhiều điểm đến tham quan, cắm trại, tìm hiểu văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đó là điều kiện thuận lợi để tổ chức sự kiện và trải nghiệm du lịch cho du khách.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Du lịch MICE đang là loại hình mà ngành du lịch Đắk Lắk quan tâm, khuyến khích phát triển. Bởi loại hình du lịch này rất linh hoạt, có thể tổ chức vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tùy thuộc vào nhu cầu của khách”.
Đắk Lắk đã tổ chức, đón nhiều đoàn khách quốc tế với số lượng lớn đến tổ chức kiện, lưu trú dài ngày và kết hợp các hoạt động du lịch trải nghiệm. Nhiều hội nghị, hội thảo tầm cỡ quốc gia, quốc tế, sự kiện VH-TT&DL đã được tổ chức thành công tại tỉnh. Đơn cử như: Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên diễn ra trung tuần tháng 4/2024; Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VIII năm 2023; Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam Thừa Thiên - Huế với các tỉnh khu vực Tây Nguyên…
Bà Phạm Thị Trúc Ngân - Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Cổ phần Du lịch Saigon Star cho biết tính đến nay đơn vị đã tổ chức nhiều đoàn khách MICE với số lượng từ 200 - 250 người/đoàn, đến tham gia hội nghị kết hợp du lịch tham quan, trải nghiệm các di tích, thắng cảnh nổi tiếng tại Đắk Lắk. “Nhìn chung, du khách rất hài lòng về chất lượng dịch vụ và thích thú với những nơi đến thăm” - bà Trúc Ngân chia sẻ.
Nhằm phát triển loại hình du lịch MICE, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai nghiên cứu thị trường. Đồng thời, xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội nghị, hội thảo trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để mô hình du lịch MICE thực sự trở thành hướng phát triển mới, Đắk Lắk cần tăng cường đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng du lịch cũng như các dịch vụ hỗ trợ đi kèm như: vui chơi, mua sắm, giải trí về đêm phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh cũng cần tích cực đăng cai tổ chức các hội nghị, triển lãm, hội chợ, sự kiện quốc gia và quốc tế… để nâng cao vị thế thương hiệu du lịch tỉnh nhà./.