Luật Đất đai sửa đổi tạo thêm cơ hội cho kiều bào đầu tư nguồn lực về quê hương

Những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, giúp kiều bào thuận lợi hơn khi muốn sở hữu tài sản là bất động sản trong nước. Đồng thời nguồn kiều hối sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản.
kieu-bao-dau-tu-bat-dong-san-02-1712108485.jpg
Luật Đất đai 2024 đã mở rộng rất nhiều về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất cho kiều bào.(Ảnh minh họa)

Luật Đất đai mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối cũng là một nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm qua.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước là đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi cư trú, nơi sinh sống.

Chính sách này vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của kiều bào muốn gắn bó với quê hương và còn góp phần vào việc huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam. Như vậy, vẹn cả đôi đường - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Số liệu từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó trên 80% tại các nước phát triển, với khoảng 600.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên.

kieu-bao-dau-tu-bat-dong-san-01-1712108470.jpg
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là sự thay đổi tích cực, có thể giúp thu hút nguồn vốn từ kiều bào trên khắp thế giới mong muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.(Ảnh minh họa)

Theo các luật sư, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua có nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài.

Tại điều 4, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều). Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Cùng đó, trong luật mới, điều 28 cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà - điều mà luật hiện hành không có những quy định này.

Khơi nguồn lực kiều hối đầu tư vào bất động sản trong nước

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ.

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ dẫn đầu do là quốc gia có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất; tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Những con số này cho thấy, đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. Đáng chú ý, nhu cầu về kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận.

Thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, năm 2016, có khoảng 15-20% số tiền đó được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Nếu tính toán nhanh, chỉ riêng con số này có thể lên tới khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận xét, sự thay đổi trong Luật Đất đai sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản là Việt kiều. Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều.

Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng. Vì thế, trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp tranh chấp pháp lý không đáng có. Nhưng với Luật Đất đai mới thì sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư - ông Troy Griffiths phân tích.

kieu-bao-dau-tu-bat-dong-san-03-1712108542.jpg
Nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản ở Việt Nam sẽ phục hồi tích cực trong vài năm tới. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về tiềm năng “rót vốn” vào bất động sản của phân khúc khách hàng này, ông Troy Griffiths cho rằng, hiện đang có rất nhiều người Việt lớn tuổi đã di cư ra nước ngoài suốt một thời gian dài. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định tiền và cân nhắc đầu tư lại vào Việt Nam bởi thậm chí nhiều người trong số đó tính đến việc quay trở về.

Không những vậy, ngay cả những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài cũng không ít người mong muốn có tích lũy tài sản để trở về mua bất động sản trong nước. Đây cũng chính là một phân khúc nhà đầu tư rất giàu tiềm năng. Bởi theo truyền thống, người Việt Nam thường rất coi trọng giá trị gia đình.

Ngoài ra, ông Troy Griffiths phân tích thêm, trong thời gian qua, nguồn vốn này cũng đã ghi nhận có sự chuyển đổi từ đầu tư trực tiếp vào bất động sản sang mở rộng đầu tư doanh nghiệp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không riêng Ngân hàng Thế giới mà nhiều tổ chức quốc tế khác đều dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo bà Đặng Thái Minh - Chánh Văn phòng Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA) đánh giá việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là sự thay đổi tích cực, có thể giúp thu hút nguồn vốn từ kiều bào trên khắp thế giới mong muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Bà nhận định thay đổi này là chủ trương rất đúng đắn của Nhà nước, cho thấy chính sách cởi mở của Chính phủ Việt Nam trong thu hút nguồn vốn, nguồn lực từ bên ngoài, cũng như tăng sự gắn kết giữa kiều bào Việt Nam và Tổ quốc. Thay đổi này cũng thể hiện nhất quán tinh thần chủ trương của Đảng và nhà nước Việt Nam xác định kiều bào Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của đất nước.

Bà Đặng Thái Minh cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) có thể sẽ mở ra cơ hội đầu tư đối với các kiều bào và nhà đầu tư có triển vọng trong tương lai. Bà dự báo thị trường bất động sản ở Việt Nam sẽ phục hồi tích cực trong vài năm tới. Vì vậy, bà cho rằng, trong một hoặc hai năm tới sẽ là thời điểm thích hợp để các kiều bào có thể đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong nước./.

Bình Châu