Lối đi nào cho doanh nghiệp nhỏ phát triển bền vững?

Đứng trước những tác động mạnh mẽ của sự dịch chuyển nền kinh tế thế giới đòi hỏi lãnh đạo phải bứt phá, kiến tạo lại bộ máy doanh nghiệp. Vậy, lãnh đạo cần khai mở năng lực gì để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển?
picture1-1717142248.png
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWEE, Chủ tịch HĐQT PNJ phát biểu khai mạc sự kiện. (Ảnh: Hoàng Lộc).

Khai phóng tư duy

Tại diễn đàn lãnh đạo 2024 với chủ đề Lãnh đạo kiến tạo tương lai, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWEE, Chủ tịch HĐQT PNJ nhận định người lãnh đạo cần thay đổi tư duy, cập nhật những công nghệ mới, kiến tạo nên môi trường làm việc hạnh phúc cho người lao động, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Bằng bản lĩnh và tầm nhìn lớn đã dẫn dắt con thuyền PNJ “vượt sóng” ngoạn mục trong suốt 36 năm qua, bà Dung cho hay: “Tại PNJ, chúng tôi đề cao giá trị của sự cân bằng, phát triển toàn diện người lao động, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của con người và cuộc sống”.

Cụ thể, đợt dịch Covid, trong khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp phạm vi hoạt động, cắt giảm nhân sự, PNJ vẫn liên tục mở rộng mạng lưới, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. PNJ đã không cắt giảm lương thưởng và các chế độ phúc lợi, mà còn quan tâm chăm lo cho người nhà nhân viên.

Tại PNJ, trong nhiều năm qua doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân lực hơn 7.000 “chiến binh”, không ngừng “cấy ghép” nguồn DNA mới mẻ sáng tạo vào tổ chức. Dựa trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp trù phú, vững chắc trong 36 năm hoạt động, công ty nâng tầm và triển khai nhiều chiến lược ESG thiết thực để kịp thời chuyển hóa mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, doanh nghiệp xanh.

picture2-1717142325.png
Bà Dung cho biết PNJ không ngừng “cấy ghép” nguồn DNA mới mẻ sáng tạo vào tổ chức. (Ảnh: Hoàng Lộc).

PNJ còn tạo nên không gian của sự khai phóng, nhân viên được "rót" ước mơ vào không gian chung, để từ đó cùng nhau thực hiện giấc mơ chung, tạo nên giá trị lớn hơn, cùng làm cùng sai cùng sửa và cùng kiến tạo thành quả. Nói cách khác, xuyên suốt 36 năm qua, người lao động là trụ cột cho sự nghiệp phát triển bền vững của PNJ.

Doanh nghiêp còn chú trọng tính “kiên hoạt” trong con người: Kiên định với tầm nhìn, mục tiêu và linh hoạt trong từng bước đi. Việc đầu tư vào hệ thống công nghệ ERP, Ecommerce, CDP, Cloud, AI,... đã giúp PNJ nhanh chóng phát triển các DNA mới để có thể liên tục tái tạo và thích nghi với sự thay đổi của thị trường.

Trên tư duy đó, PNJ tập trung vào năng lực số và văn hoá đổi mới bên cạnh sự đầu tư về năng lực công nghệ.

Gia tăng lợi thế cạnh tranh

Tại phiên thảo luận, các chủ doanh nghiệp đã cùng “mổ xẻ” trực diện, phân tích đa chiều và mang đến nhiều ý tưởng mới để giúp doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang xoay sở kiến tạo lại bộ máy công ty, vượt qua thách thức của thị trường, hướng đến phát triển bền vững (PTBV).

picture3-1717142360.png
Ông Lê Trí Thông: “Tại PNJ, chiến lược ESG được tích hợp vào chiến lược kinh doanh tổng thể của công ty”. (Ảnh: Hoàng Lộc).

Đề cập đến tầm nhìn của lãnh đạo khi đầu tư vào PTBV, ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ, Chủ tịch YBA nhấn mạnh: “PTBV cần được soi chiếu trên góc nhìn dài dạn, ở độ phân giải cao, tầm nhìn rộng mở. Có không ít doanh nghiệp làm PTBV, ESG theo phong trào, tách rời và độc lập với chiến lược kinh doanh của công ty. Trong khi đó, PTBV nên được triển khai một cách “đời” hơn, thực tế, bám sát với sự phát triển của công ty”.

Nhiều năm thực hành ESG, lãnh đạo PNJ cho biết các chiến lược ESG được tích hợp vào chiến lược kinh doanh tổng thể của công ty, tạo nên một khối thống nhất và vững chắc. Hơn nữa, PNJ cam kết thực hành phát triển bền vững theo 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc.

Ông Thông nói thêm, hiện PNJ tập trung vào địa hạt mà mình làm giỏi, đó là câu chuyện về làm đẹp cho đời, tôn vinh vẻ đẹp của con người, tạo nên mạng lưới những đơn vị cùng tầm nhìn để gia tăng giá trị và sức mạnh cho cộng đồng.

picture4-1717142395.png
PNJ đặt lợi ích của xã hội và lợi ích khách hàng vào lợi ích của doanh nghiệp. (Ảnh Hoàng Lộc).

Thực tế, phát triển bền vững là một sự đầu tư, thế nhưng đây không phải là một khoản đầu tư sinh lời có thể thấy được trước mắt.

Ông Thông lý giải: “Ở khía cạnh quản trị, công ty “vững” là có nhiều khách hàng, doanh số, lợi nhuận. Nhưng để đi xa và “bền” thì phải có hệ thống cân bằng. Tại PNJ, chúng tôi đầu tư thuê các công ty tư vấn về chiến lược cho HĐQT và dành nhiều thời gian để họp bàn, giúp chúng tôi gặt hái được thành quả về mặt lâu dài. Giữ được sự cân bằng trong HĐQT là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi thường xuyên chà sát quan điểm, ý tưởng nhưng ra quyết định trên sự tôn trọng và cân bằng”.

Năm 2023, PNJ được Brand Finance công nhận là Thương hiệu trang sức giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu của PNJ năm 2023 là 428,43 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022 và tăng 44% so với năm 2020.

Minh Trường