Livestream bán cam trên những đồi ‘vàng’ triệu USD

Dịch COVID-19 kéo dài khiến ngành nông nghiệp phải trải qua một năm đầy sóng gió nhưng đổi lại là một bước tiến dài về thay đổi tư duy của nông dân. Thay vì chờ thương lái đến thu mua, những nông dân 4.0 đã chủ động đăng bài cũng như thành thạo livestream trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để kết nối với người tiêu dùng.

Hợp tác xã 3T Farm huyện Cao Phong-Hoà Bình là mô hình tiêu biểu trong câu chuyện xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số.

* Chốt đơn vèo vèo

Hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa các địa phương, nhiều loại trái cây tồn đọng, giá rớt thảm hại.

Trong lúc các loại nông sản tìm kiếm đầu ra, cam của Hợp tác xã 3T Farm lại được săn đón với các chuyến xe tải nối đuôi nhau vào thu mua nhờ việc ứng dụng nền tảng công nghệ số.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm chia sẻ: Trước đây do canh tác cam theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng cam thấp. Đầu ra gặp khó khăn, giá cả không ổn định nên thu nhập chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gia đình.

Năm 2019, Hợp tác xã 3T Farm đã là 1/35 dự án, vượt qua hơn 740 dự án của cả nước tham gia và đạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

Sau khi hoàn thành cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, Hợp tác xã 3T Farm được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 125 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hợp tác xã 3T Farm còn tham gia dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2019 và được công nhận là sản phẩm 3 sao.

Lý giải về từ 3T Farm, chị Thủy giải thích: Vườn cam 3T là 3 tốt; trong đó, có tốt giống, tốt đất và tốt từ tâm. Chỉ có như vậy thì thương hiệu và sản phẩm cam Cao Phong mới ngày càng có thương hiệu, đứng vững trên thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

Từ việc trước đây sản phẩm làm ra phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến thu mua trực tiếp, hiện nay Hợp tác xã 3T Farm đã cung cấp cam vào các cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam...

Đáng phấn khởi hơn, trước đây chị Vũ Thị Lệ Thuỷ chỉ sử dụng facebook để giao lưu với cộng đồng làm nông nghiệp sạch, chia sẻ quá trình canh tác nhưng nhiều người comment hỏi mua, rồi dần dần facebook, zalo thành kênh quảng bá và bán hàng chính.

Mỗi lần livestream, hợp tác xã có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể các bài đăng lẻ, đăng trong hội nhóm. Công nghệ đã giúp kết nối những mối hàng từ Bắc vào Nam, mang tới cho hợp tác xã hàng nghìn đơn hàng.

uh2-20220127151813-1643947013.jpeg
Chị Vũ Thị Lệ Thuỷ- giám đốc hợp tác xã 3T Farm. Ảnh: Uyên Hương

Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm còn xây dựng thêm fanpage cho hợp tác xã và hướng dẫn các thành viên khác livestream bán hàng trên trang cá nhân.

Hiện tại, hợp tác xã cơ bản chủ động về đầu ra, 70 – 80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến vườn thu mua như trước kia.

Ngoài mạng xã hội, Hợp tác xã 3T Farm còn phối hợp với Bưu điện huyện Cao Phong xúc tiến đưa cam và sản phẩm chế biến từ cam lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Có thể thấy, xu hướng livestream đã xuất hiện và dần phát triển từ năm 2019 nhưng đến khi dịch COVID-19 bùng phát "chợ điện tử" mới trở nên sôi động và thực sự kết nối trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

*Chuyển biến để thành công

Để có thể chốt đơn vèo vèo, đưa cam lên kệ siêu thị, sàn thương mại điện tử, Hợp tác xã 3T Farm dành nhiều năm xây dựng vùng trồng VietGAP và thương hiệu cho riêng mình.

Với tham vọng nâng tầm cam Cao Phong và tạo ra sự khác biệt với cam thông thường, Hợp tác xã 3T Farm mở đường cho xu hướng trồng cam theo hướng hữu cơ ở tỉnh Hòa Bình, đảm bảo 3 tiêu chí “tốt đất, tốt giống, tốt từ tâm”.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết, các thành viên hợp tác xã sử dụng phân trùn quế bón cây, phun và tưới cây bằng dịch trùn quế giúp cây có sức đề kháng tốt, tăng khả năng ra hoa, đậu quả cao. Đáng lưu ý, các hộ còn sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cho cây giúp cho cam có vị ngọt đậm tự nhiên, màu sắc bắt mắt.

Hơn nữa, hợp tác xã còn đầu tư 300 triệu đồng để cam Cao Phong được tắm sục ozone nhằm loại bỏ được các bụi bẩn và hóa chất tồn dư gây hại cho sức khỏe. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt về chất lượng cam của Hợp tác xã 3T Farm.

Dù cam đạt chất lượng chuẩn và an toàn nhưng hợp tác xã lại phải đối mặt với bài toán cạnh tranh thị trường. Từ đó, chị Vũ Thị Lệ Thủy phát triển dự án “Cam - Quà tặng cao cấp 3T Farm” hướng đến phân khúc khách hàng có thu nhập khá.

Theo thống kê sơ bộ, doanh thu năm 2021 của hợp tác xã đạt 2 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2019, số lượng thành viên cũng tăng từ 8 lên 16 thành viên.

Nhìn lại năm 2021, chị Vũ Thị Lệ Thuỷ cho biết hợp tác xã “được” nhiều hơn mất và là cơ hội để các thành viên hợp tác xã phát huy sức sáng tạo của “nông dân mới”.

Đồng thời, trong bước đệm nghỉ năm 2021, hợp tác xã còn tranh thủ tái tạo vườn cam, thay cây mới và chuẩn bị nguồn hàng cho các dự án sắp tới.

Để sản phẩm cam Cao Phong không chỉ đơn thuần là sản phẩm cây ăn quả có múi, hợp tác xã đã mạnh dạn sản xuất thử nghiệm rượu từ cam và vỏ quả cam.

Chị Thủy cho biết, rượu cam được sản xuất thủ công bằng phương pháp truyền thống là làm sạch rồi tách vỏ cam, vắt lấy nước cốt, ủ đường Hoa Mai lên men thời gian 6 tháng rồi đưa vào máy diệt men để đóng chai bán.

Sau một thời gian thử nghiệm, sản phẩm được thị trường tiêu dùng đón nhận tích cực.

Không chỉ có rượu cam, hợp tác xã còn sản xuất mứt cam, trà cam, bánh quy cam, mứt ruột cam ăn kèm bánh mỳ. Các sản phẩm có hương vị rất đặc trưng, thơm ngon của cam.

Chia sẻ về kế hoạch năm 2022, chị Vũ Thị Lệ Thủy cho biết: Hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp, chế biến thêm nhiều sản phẩm như nước cam lên men, bánh quy cam, mứt vỏ cam mặn, ngọt, trà cam quế… để tận dụng triệt để cam loại 2, loại 3 và tạo ra giá trị gia tăng.

Chưa dừng lại ở sản xuất các sản phẩm từ cam, Hợp tác xã 3T Farm còn ấp ủ dự án phát triển du lịch cộng đồng ngay tại vườn cam của các thành viên nhằm tìm thêm đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, hợp tác xã cũng chuyển hướng từ sản xuất từ VietGAP sang sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị và thương hiệu cam Cao Phong để quả cam không bị “tắc” thị trường tiêu thụ.

Rời thị trấn nhỏ vào buổi chiều đầy nắng, hương cam vẫn quấn quýt quanh người như một lời chào tạm biệt của Cao Phong./.