Liên minh châu Phi kêu gọi EU công nhận chứng chỉ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 26/10, Phó chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Monique Nsanzabaganwa đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối chính sách không công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của châu lục này.
ap21253430642451-16318535033891149329727-1635299562.jpg
(Ảnh minh họa: AP)

Phát biểu khai mạc cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao thuộc 2 khối EU và AU được tổ chức tại thủ đô Kigali của Rwanda (Ru-an-đa), bà Nsanzabaganwa nhấn mạnh chính sách như vậy có thể ảnh hưởng đến các chiến dịch tiêm chủng tại các nước châu Phi.

Bà Nsanzabaganwa cũng nhận định "nhóm các quốc gia châu Âu" đã đạt được các bước tiến quan trọng trong việc cung cấp vaccine cho “lục địa đen” thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX và các sáng kiến song phương.

Bà tuyên bố: "Nhằm hỗ trợ những nỗ lực tiêm chủng này, việc các đối tác châu Âu công nhận các loại vaccine được dùng tại châu lục và chứng nhận tiêm chủng do chính quyền các quốc gia thành viên cấp phù hợp với các khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi là phù hợp".

Cuối tháng 9/2021, Vương quốc Anh đã công bố chính sách không chấp nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các nước châu Phi. Điều này khiến các nhà chức trách lo ngại có thể làm gia tăng việc người dân do dự đi tiêm chủng. Anh đã công bố một danh sách ban đầu gồm các quốc gia mà nước này công nhận chứng chỉ vaccine mà không có quốc gia nào ở châu Phi.

Bà Nsanzabaganwa cho biết châu Phi này trông đợi "sự ủng hộ của lục địa châu Âu và các quốc gia thành viên" trong lời kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 và các công nghệ khác tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu để đạt được khả năng miễn dịch toàn cầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Theo bà, điều này rất quan trọng đối với việc mở cửa giữa các quốc gia, an ninh y tế toàn cầu và sự phục hồi kinh tế nhanh chóng trên thế giới.

Theo số liệu, hiện có khoảng 4,5% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 55% đến 66% ở châu Âu.

Phát biểu tại sự kiện, giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng thừa nhận: "Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh. Đại dịch COVID-19 đã chạm đến những vấn đề hiệu quả và những gì không hoạt động trong thế giới liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ngày nay”.

Theo chương trình, các cuộc thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng tại thủ đô Kigali sẽ xoay quanh vấn đề ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như xây dựng khả năng phục hồi, các vấn đề về hòa bình, an ninh, di cư và quản trị toàn cầu. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU-AU lần thứ sáu, dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào đầu năm 2022, các bộ trưởng cũng sẽ xác định các ưu tiên, cơ hội và thách thức chung quan trọng nhất cho chương trình nghị sự./.