Tham dự Lễ phát động chiến dịch “Race to Net Zero” và Diễn đàn “Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm doanh nghiệp trong thị trường các-bon” có sự hiện diện của ông Nguyễn Linh Ngọc - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Phạm Việt Biên Cương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu; ông Vũ Minh Lý - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các nhà sản xuất thân thiện môi trường; ông Vũ Quốc Anh - Đại diện WWF Việt Nam cùng đại diện các cơ quan Ban, ngành cùng đông đảo khách mời và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta. Lời cảnh báo này của "mẹ thiên nhiên" thúc đẩy chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Phát thải ròng bằng 0 hay “Net Zero” là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - “Net Zero” vào năm 2050.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Linh Ngọc - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: “Race to Net Zero” là chiến dịch xuyên suốt đến năm 2050 về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi hậu. Chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Nó đòi hỏi không gì khác hơn là một sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển. Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải các-bon”.
Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra những chiến lược, mục tiêu trong tương lai, cụ thể như: Ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/QĐ-TTG về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chuẩn bị xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định MRV khí thải nhà kính đa lĩnh vực; xây dựng khung chính sách để phát triển thị trường các-bpn. Đây chính là những cơ sở cơ bản nhất để các Bộ, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội chung thực hiện và hành động để đạt mục tiêu “Net Zero”.
Với ý nghĩa to lớn đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng sự hỗ trợ, tư vấn của Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hiệp hội Nhà sản xuất Sản phẩm thân thiện Môi trường, WWF Việt Nam, Bộ TN&MT; Bộ Công Thương, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chuỗi sự kiện “Cộng đồng và Doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”.
Là 1 trong 2 đại sứ của chiến dịch “Race to Net Zero”, bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản TLM chia sẻ: “Nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, cam kết cùng hành động nghiêm túc, khẩn trương thì trái đất sẽ được chữa lành và ngày một khỏe mạnh dần nên. Bởi trái đất không chỉ của riêng ai, mà là của tất cả mọi người, với sự đóng góp của bản thân tôi đã được ghi nhận cùng sự chung tay của mọi người sẽ kiến tạo nên một hành tinh xanh, một trái đất xanh, một màu xanh mãi cùng chúng ta”.
Cũng lại buổi Lễ, Á hậu du lịch 2022 Trần Thị Trúc Linh, 1 trong 2 đại sứ của chiến dịch “Race to Net Zero” chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi là đại sứ của chiến dịch này, đây là cơ hội để tôi được đóng góp cho việc bảo vệ môi trường thông qua những hành động thiết thực, bởi trái đất của chúng ta đang nóng dần nên do tác động của môi trường. Như chúng ta đã thấy, cháy rừng xảy ngày càng nhiều hơn, nguồn nước ô nhiễm hơn và không khí cũng đang ngày càng ô nhiễm hơn. Tôi cho rằng, đây là vấn đề không của riêng ai hay của Việt Nam mà là vấn đề chung của toàn thể nhân loại”.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của biến đổi khí hậu. Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD vào năm 2050. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ 21 và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo đó, một vấn đề lớn để đạt “Net Zero” như cam kết chính là nguồn lực thực hiện.
Bà Phan Thúy Phượng - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng phía Nam Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam chia sẻ: “Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta. “Race to Net Zero” là một cuộc đua về giảm phát thải khí nhà kính của toàn xã hội. Chiến dịch xuyên suốt đến 2050 này bao gồm rất nhiều hoạt động đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội”.
Để huy động sức mạnh cộng đồng chung tay hưởng ứng chiến dịch “Race to Net Zero”, những đại sứ sẽ đóng vai trò là cầu nối và lan tỏa thông điệp của chiến dịch tới cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện những hành động cụ thể, thực hiện lối sống xanh và song hành cùng các hoạt động trong chiến dịch. Thời gian tới, Ban Tổ chức sẽ xây dựng và triển khai những cuộc thi về sáng kiến ý tưởng, giải pháp giảm phát thải, mô hình xanh, kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu, tìm kiếm và thúc đẩy các start-up triển khai các giải pháp đột phá về công nghệ thu hồi, lưu giữ các-bon, công nghệ xanh (hydrogen, amoniac xanh); triển khai các hoạt động trồng cây trung hòa các-bon tại các khu vực đất trống, đồi trọc, hạn hán, xâm nhập mặn và tôn vinh những tổ chức, cá nhân xuất sắc trong chiến dịch tại giải thưởng thường kỳ “Net Zero Việt Nam”.