Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 12/4 cho thấy thị trường lao động quý 1/2022 dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế khiến thu nhập của người lao động được cải thiện.
Lao động tại TP.HCM thu nhập bình quân mỗi tháng 8,9 triệu đồng, tăng 36,5%, tương đương 2,4 triệu đồng so với quý trước; lao động tại Bình Dương thu nhập bình quân mỗi tháng 8,6 triệu đồng, tăng 54%, tương đương tăng 3 triệu đồng so với quý trước. Tương tự tại Đồng Nai, thu nhập bình quân mỗi tháng của lao động đạt 8,5 triệu đồng, tăng gần 33%, tương đương khoảng 2,1 triệu đồng.
Đông Nam Bộ - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 thứ tư, lại hồi phục mạnh mẽ và có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất cả nước, khoảng 8,3 triệu đồng, tăng 36% so với quý trước; đồng bằng sông Hồng đạt 7,4 triệu đồng; thấp nhất là Tây Nguyên 4,6 triệu đồng.
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%; cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%.
Về tỷ lệ người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất, tương ứng là 3,03% và 2,89%, nhưng so với quý trước, tỷ lệ này ở hai vùng đều giảm, tương ứng giảm 2,69 điểm phần trăm và giảm 2,81 điểm phần trăm.
Tỷ lệ này ở TP.HCM là 4,18%, cao gấp 1,9 lần so với Hà Nội (2,24%). Tuy vẫn còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở Hà Nội nhưng so với quý trước, tỷ lệ này ở TP.HCM đã giảm 4,07 điểm phần trăm, trong khi ở Hà Nội chỉ giảm 0,21 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) ở TP.HCM trong quý I/2022 là 11,30%, cao hơn so với Hà Nội (10,31%). So với quý trước, tỷ lệ này ở TP.HCM giảm 6,83 điểm phần trăm, trong khi đó Hà Nội tăng 1,13 điểm phần trăm. Trong 3 tháng đầu năm, tại TP.HCM, các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí dần trở nên nhộn nhịp, học sinh, sinh viên các trường đi học trực tiếp trở lại đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm đáng kể.