Lào Cai: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai, đã xuất hiện một số mô hình nông nghiệp sinh thái đã được triển khai, đạt được thành công nhất định.

Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái chưa được chứng nhận, dán nhãn, chưa có doanh nghiệp bao tiêu. Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

cay-che-1673495507.jpg
Cây chè hữu cơ đang là thế mạnh của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Xuân Hiền)

Để phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp nông thôn… Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 6%/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 16.000 tỷ đồng;

Đặc biệt, việc tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; giá trị sản xuất hàng hóa các mặt hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu từ 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;

Thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 80%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%;

Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 18.000 lao động nông thôn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 95%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%, sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng phát triển theo hướng bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2045, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá Lào Cai đạt quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và xuất khẩu, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản theo hướng hiện đại.

Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông thôn từng bước hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn giàu bản sắc dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

cay-que-1673495580.jpg
Cây quế hữu cơ tại huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Xuân Hiền

Cùng với việc cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông thôn và cư dân nông thôn, tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái.

Đồng thời, tỉnh Lào Cai tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa 6 ngành hàng chủ lực gồm: Chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn; 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương. Khuyến khích liên kết, tập trung đất đai, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến.

Duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt từ 4 - 5%/năm, giá trị sản xuất trồng trọt đến năm 2030 đạt 6.800 tỷ đồng. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tập trung chuyển đổi hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại an toàn sinh học để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hướng đến xuất khẩu; áp dụng công nghệ xử lý phế, phụ phẩm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đến năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng. Tăng cường chế biến các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP phục vụ du khách và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

thang-long-1673495641.jpg
Vườn thanh long ruột đỏ hữu cơ tại xã Minh Tân, huyện Bảo Yên (Lào Cai) gắn với du lịch sinh thái.

Tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng truyền thống và các loài thủy sản có giá trị kinh tế, cá đặc sản, cá nước lạnh; giá trị sản xuất ngành thủy sản đến năm 2030 đạt 1.400 tỷ đồng.Trước mắt đến năm 2025 toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp.

Bố trí sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp; duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích, danh thắng để bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, phát triển bền vững.