Lào Cai dồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão

Ngày 10/9, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành công điện hỏa tốc về việc chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
lao-cai-dnktx-1726036449.jpg
Lào Cai là tỉnh miền núi thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai như: sạt lở đất, mưa lũ...

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9 trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to trên diện rộng; mưa, lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương.

Để công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được kịp thời, hiệu quả, thống nhất; công tác cứu nạn, cứu hộ được khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

Các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác; quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại các văn bản, công điện về bão số 3 năm 2024 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường đôn đốc kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sớm ổn định đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: thường xuyên, liên tục theo dõi thông tin dự báo, diễn biến thời tiết, thiên tai; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương chấm “bốn tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông; tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (loa, đài truyền thanh của cấp huyện, xã, thôn...), bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số) nắm được thông tin về thời tiết, thiên tai.

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả (lưu ý đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tìm kiếm); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng. Tập trung mọi nguồn lực để ưu tiên khắc phục đảm bảo giao thông phục vụ công tác tiếp cận vùng bị cô lập; sớm ổn định chỗ ở của người dân bị mất nhà, có nhà bị hư hỏng hoặc phải di chuyển; đảm bảo cung cấp điện, nước trở lại hoạt động bình thường.

Khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình hạ tầng của Nhà nước, báo cáo trung thực, đầy đủ số liệu và nguyên nhân thiệt hại theo quy định (trước ngày 12/9/2024); tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói và bị thiệt hại do thiên tai, bị cô lập; tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ về nhu yếu phẩm thiết yếu (theo nội dung Văn bản số 5000/UBND-NLN ngày 10/9/2024).

lao-cai-dnktx1-1726036527.jpg
Lào Cai huy động tối đa lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả.

Điều chỉnh phương án, kế hoạch và các biện pháp phù hợp để tiếp tục phòng ngừa, ứng phó với mưa, lũ tại các địa phương, đặc biệt là các điểm hiện nay còn bị cô lập hoặc phương tiện thông thường không tiếp cận được. Tổ chức lực lượng tuần tra, rà soát để phát hiện những vết nứt mới hoặc các cung trượt để có ngay biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời, đặc biệt là các vị trí xung yếu đã được xác định có nguy cơ cao; cử người cảnh giới và cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống thiên tai tại công trường. Phối hợp với các sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập, vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình (theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 10/9/2024)...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực công tác phòng, chống thiên tai): chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, UBND cấp huyện rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất... để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa, lũ; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Đôn đốc cấp huyện tiếp tục sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Tổng hợp, báo cáo kịp thời UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc.

Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh: theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kịp thời phát tin dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho Sở Thông tin Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thông tin kịp thời phục vụ cho công tác tham mưu, chỉ đạo.

Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh: quan tâm, chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ kịp thời và đúng theo quy định./.

Minh Tuấn