Lào Cai công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030

Quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện qua 8 bước, trên cơ sở 29 đề án phát triển của các sở, ngành, địa phương, trưng cầu, tiếp thu ý kiến và thẩm định chặt chẽ, là công trình trí tuệ lớn thể hiện trên 700 trang giấy.

UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Hội nghị được kết nối đến tất cả các điểm cầu của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã công bố Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp.

qhtinhlc-1681310648.jpg

Toàn bộ tỉnh Lào Cai có tổng diện tích tự nhiên 6.364,03km2. Ảnh minh họa

Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế, năm nhiệm vụ trọng tâm.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, sau khi quy hoạch được phê duyệt, các nhiệm vụ tiếp theo là phải đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi quy hoạch; đồng thời, cụ thể hóa bằng các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và bằng hành động để quy hoạch đi vào thực tiễn. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, trước mắt là mục tiêu 260.000 tỷ đồng của nhiệm kì này.

“Hôm nay, có rất nhiều các nhà đầu tư đến đây, với 4 trụ cột và với cơ chế chính sách, chúng tôi sẽ quyết tâm để tạo sự thông thoáng trong các lĩnh vực về công nghiệp, về du lịch, cửa khẩu, đặc biệt là cả về nông lâm nghiệp, mong rằng các nhà đầu tư sẽ cố gắng để tìm hiểu, phối hợp với tỉnh cùng tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi rất cầu thị, và vì cái chung, làm sao để cùng với các doanh nghiệp khai thác được tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế của địa phương”, ông Trịnh Xuân Trường khẳng định.

Bên cạnh việc tổ chức hội nghị công bố quy hoạch, việc thực hiện công bố Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Quy hoạch năm 2017, Điều 5 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, gồm: đăng tải thường xuyên, liên tục trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch (UBND tỉnh Lào Cai), cơ quan lập quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư); trưng bày hệ thống bản đồ quy hoạch, hệ thống cơ sở dữ liệu Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan lập quy; công bố quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng; phát hành video giới thiệu nội dung quy hoạch…

Hội nghị công bố quy hoạch là dịp để các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng toàn dân nắm được các vấn đề cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, dẫn đến sự thống nhất về nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch. Từ đó, tạo động lực mới, khí thế mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Thi Nguyên (t/h)