Quảng cáo #128

Làng nghề truyền thống cần năng động, tự bứt phá để tìm hướng đi phù hợp

Để các làng nghề thủ công mỹ nghệ có thể tồn tại và đứng vững trong cơ chế thị trường rất cần giải pháp đồng bộ, cần một chiến lược dài hơi và quan trọng hơn cả, các làng nghề cần năng động, tự bứt phá để tìm hướng đi phù hợp với xu hướng thị trường.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, chứa đựng những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, sự tác động của quá trình đô thị hóa, hoạt động di cư khiến không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.

Bảo tồn làng nghề góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

bao-ton-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-3-1724588461.jpg
Làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng nghề Chăm còn sót lại trên dải đất miền Trung Việt Nam.(Ảnh minh họa)

Cả nước có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận

Thủ công mỹ nghệ là một trong những nghề ra đời sớm trong bối cảnh xã hội nông nghiệp truyền thống của Việt Nam. Trải qua thời gian, các ngành nghề thủ công phát triển theo quy mô gia đình rồi dần hình thành nên những làng nghề thủ công.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tổng số khoảng 5.400 làng nghề của cả nước, có hơn 2.000 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận theo tiêu chí của Nhà nước; 57 Di sản Văn hóa Phi Vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được ghi nhận.

Các làng nghề tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc. Năm tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình và Bắc Ninh, chiếm 60% tổng số làng có nghề của cả nước.

Sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là sự kết hợp giữa những giá trị văn hóa và trình độ kỹ thuật của nghệ nhân, thợ làm nghề; sự tài hoa tích lũy qua nhiều thế hệ không chỉ đáp ứng được nhu cầu công năng sử dụng mà còn thể hiện được những giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc.

Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Tên nghề gắn chặt với tên làng, in đậm dấu ấn văn hóa một thời như nón lá Phú Thọ, đồng Đại Bái, lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, thổ cẩm An Giang.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, phần lớn mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như sản phẩm may mặc; gốm sứ; dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm…

bao-ton-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-6-1724588433.jpg
Tại làng nghề lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) hiện có 400 hộ dân tham gia sản xuất. (Ảnh minh họa)

Làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; xuất khẩu sản phẩm và nguyên liệu đạt 3,3 tỷ USD.

Ngày càng nhiều làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đơn cử như tại làng nghề lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) hiện có 400 hộ dân tham gia sản xuất lụa và 244 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, sản lượng lụa hằng năm đạt 1,7 triệu mét lụa các loại, doanh thu ước đạt 115 tỷ đồng/năm.

Ngoài dệt lụa, còn có 150 cửa hàng của các hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng liên quan đến lụa. Mỗi năm, Vạn Phúc còn thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

Làng nghề truyền thống đối mặt với nguy cơ mai một

Sự lớn mạnh của các làng nghề ở hầu hết các địa phương trong cả nước đã phần nào cho thấy hoạt động sản xuất của loại hình này đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể cho thấy, hiện một số làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, thậm chí có một số nghề truyền thống còn đứng trước nguy cơ biến mất khỏi đời sống xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một các làng nghề truyền thống, nhưng nổi bật nhất vẫn là thiếu nguyên liệu sản xuất. Đơn cử với ngành nghề mây tre đan, hiện 600 làng nghề trên cả nước đang phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì sản xuất.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có 1,5 triệu ha trồng các loại cói, tre, nứa; trong đó, có khoảng 600ha được cấp chứng chỉ FSC, tổng dự trữ lượng khoảng 9,5 tỷ cây, bình quân khai thác từ 500-600 triệu cây nhưng nhu cầu tiêu thụ lại lên tới 900 triệu đến 1 tỷ cây/năm.

bao-ton-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-7-1724588558.jpg
Làng tranh Đông Hồ là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia mang lại nhiều giá trị văn hóa độc đáo.(Ảnh minh họa)

Do đó, để có nguyên liệu sản xuất, giải pháp trước mắt là nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra tại không ít địa phương có làng nghề truyền thống nói chung, lĩnh vực mây tre đan nói riêng là nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từ đó khôi phục các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề gặp những khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ, công nghệ... khiến hoạt động của nhiều làng nghề rơi vào tình trạng cầm chừng.

Trước hết, các làng nghề gặp khó khăn do sản xuất chủ yếu theo kiểu tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề lao động không đồng đều. Đặc biệt, các cơ sở vẫn chưa chú trọng đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình, do đó, có hiện tượng hàng không đảm bảo, mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, phần lớn các làng nghề chậm thay đổi về mô hình, chủ yếu là kinh doanh hộ, mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã còn ít. Hoạt động sản xuất kinh doanh tự phát, các hộ làm nghề trong làng nghề chưa có sự gắn kết chặt chẽ nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao.

Đó là nguyên nhân cơ bản khiến làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể phát triển mạnh, vì kinh doanh hộ khó tiếp cận với vốn vay, công nghệ, thị trường.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các làng nghề còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc theo hình thức truyền nghề. Công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề, các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính bền vững.

Đề xuất ban hành “Luật bảo tồn và phát triển làng nghề”

Tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam.

Mục tiêu của Chương trình là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Cụ thể, đến năm 2025, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống, phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến năm 2030, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống, phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

bao-ton-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong-5-1724588611.jpg
Làng nghề làm hương Thủy Xuân là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi đến cố Đô Huế. (Ảnh minh họa)

Chương trình đề ra 4 nhiệm vụ quan trọng, bao gồm phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Mới đây nhất ngày 16/8, tại Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước xem xét và có ý kiến về việc xây dựng và ban hành “Luật bảo tồn và phát triển làng nghề”. Đề xuất với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép lấy ngày 20/2/1959, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng gốm cổ truyền Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội là “Ngày làng nghề Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho làng nghề: Giải pháp xử lý môi trường, mặt bằng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để làng nghề tiếp tục phát triển; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề Thủ công mỹ nghệ./.

Trọng Bình