Làng mật mía Thọ Điền ngày đêm đỏ lửa phục vụ thị trường Tết

Những ngày cận Tết, làng nghề mật mía Thọ Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) bước vào vụ sản xuất rộn ràng nhất trong năm. Không khí lao động khẩn trương từ ngoài đồng mía đến các cơ sở sản xuất. Đây là khoảng thời gian mà người dân Thọ Điền tất bật nhất, chuẩn bị những mẻ mật thơm ngon để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán.
mat-mia-1737733953.jpg
Làng mật mía Thọ Điền ngày đêm đỏ lửa phục vụ thị trường tết.

Nghề trồng mía ép mật ở Thọ Điền đã trải qua hơn 50 năm và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Trên những thửa ruộng bạt ngàn, người nông dân đang cần mẫn chặt mía, bó thành từng bó lớn để kịp đưa về các lò ép để nấu mật.

Theo thống kê, xã Thọ Điền có hơn 28ha diện tích trồng mía. Hằng năm, người dân thường bắt đầu trồng mía từ tháng 2 và thu hoạch vào tháng 12. Cây mía nơi đây phải trải qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, hứng chịu cái nắng gay gắt của mùa hè và những cơn mưa bão, nhờ vậy mà mía Thọ Điền có vị ngọt sắc và đậm đà hơn.

mat-mia-1-1737733943.jpg
Mía sau khi được ép lấy nước sẽ được mấu thành mật.

Vừa nhanh tay thu hoạch những gốc mía, ông Nguyễn Văn Nghị (xóm 1, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) vừa chia sẻ: Nhà tôi trồng hơn 2 sào mía. Đến cuối năm, gia đình thu hoạch và bán mía cho các cơ sở sản xuất mật. Giá mỗi tấn mía tươi dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng giúp chúng tôi trang trải cuộc sống và chuẩn bị cho Tết cổ truyền.

Cây mía sau khi thu hoạch sẽ được đưa về các lò nấu mật để ép. Nghề nấu mật mía ở Thọ Điền đã trở thành một nghề truyền thống được nhiều hộ gia đình lưu giữ qua nhiều thế hệ. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất mật mía, tạo ra hàng nghìn lít mật mỗi năm.

mat-mia-4-1737733926.jpg
Người dân cung ứng mía cây cho các cơ sở sản xuất mật.

Tại HTX dịch vụ mật mía Thọ Điền là cơ sở sản xuất mật mía lớn tại địa phương. Những ngày cuối năm, cơ sở tất bật người ra vào nhập mía, máy ép hoạt động hết công suất. Những bếp lò luôn đỏ lửa để nấu mật.

Anh Lương Sỹ Đức người phụ trách chính tại Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Thọ Điền chia sẻ: Sau khi nhập mía về, chúng tôi tiến hành rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn. Mía sau đó được đưa vào máy ép để lấy nước. Nước mía sẽ được lọc qua tấm lưới để loại bỏ cặn bã và tạp chất trước khi đưa vào chảo lớn để nấu sôi.

mat-mia-2-1737734049.jpg
Nguyên liệu được tâp kết, xử lý trước khi đưa vào máy ép.

Quy trình đun nấu mật mía đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Theo anh Đức, mỗi mẻ mật phải đun trong suốt bốn tiếng đồng hồ, lửa phải giữ đều và mạnh. Người nấu cần liên tục khuấy đều tay để tránh mật bị khê, đồng thời hớt bọt và tạp chất nổi trên bề mặt để đảm bảo mật sạch, có màu vàng cánh gián đẹp mắt và hương vị thơm ngon. Nếu không chú ý, mật dễ bị cháy và có màu đen, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Thọ Điền cho biết: Từ năm 2020, sản phẩm mật mía của Hợp tác xã chúng tôi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhờ xây dựng được thương hiệu uy tín, mật mía Thọ Điền ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Vào thời điểm giáp Tết, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã ép khoảng 5 tấn mía tươi, thu được hơn 400 lít mật thành phẩm. Với giá bán từ 60 - 70 ngàn đồng/lít, sản phẩm luôn cháy hàng.

mat-mia-5-1737733893.jpg

Trong quá trình nấu mật, người làm luôn phải khuấy để mật không bị đọng lại, khê và vớt những bọt, tạp chất nổi lên.

Mật mía Thọ Điền nổi tiếng nhờ độ quánh đặc, màu sắc vàng óng như mật ong và hương thơm đặc trưng. Đặc biệt, do được làm từ những cây mía trồng trên mảnh đất giàu phù sa, mật mía nơi đây có vị ngọt thanh, không quá gắt và rất phù hợp để làm gia vị cho nhiều món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh gai, chè kho hay làm nước chấm cho các món thịt luộc.

z6255073870560-e69f92efb87e1e978c4735319fbba748-1737733968.jpg
Mật sau khi được nấu thành thành phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền chia sẻ: Dù nghề nấu mật mía có nhiều vất vả, nhưng khi thương hiệu mật mía Thọ Điền ngày càng được khách hàng gần xa biết đến và tin dùng, bà con nơi đây lại có thêm động lực để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Chúng tôi đang từng bước hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất để đưa mật mía Thọ Điền vươn xa hơn nữa.

mat-mia-3-1737733910.jpg
Và đóng gói để cung ứng cho khách hàng.

Trong không khí rộn ràng, tất bật của những ngày cuối năm, những giọt mật vàng óng ánh cứ thế được sản xuất. Đây không chỉ là thành quả của bao tháng ngày lao động miệt mài, mà còn là niềm tự hào của người dân xã Thọ Điền. Đó là minh chứng cho sự bền bỉ, kiên trì giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất miền núi Vũ Quang của tỉnh Hà Tĩnh./.

Nguyễn Duyên