Lần đầu tiên xuất khẩu các sản phẩm dừa Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD

Lần đầu tiên sau 14 năm, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đã cán mốc 1 tỷ USD. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.
xuat-khau-dua-1-1739861256.jpg
Tính đến cuối năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu từ cơ quan hải quan, tính đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ, chiếm 5,5% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.

Từ mức kim ngạch khiêm tốn 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã có bước phát triển vượt bậc, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và chính thức vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.

Theo Hiệp hội dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8-9 năm trở lại đây, nhưng phát triển rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, trái dừa tươi đã được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Tháng 8/2024, ngay sau khi ký Nghị định thư nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu chính, chiếm 25% giá trị xuất khẩu dừa của Việt Nam. Việt Nam hiện cũng trở thành nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, với hơn 20% thị phần tại nước này.

xuat-khau-dua-2-1739861299.jpg
Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long.(Ảnh minh họa)

Trước đó, ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa, trong đó 2,6 tỷ quả phục vụ tiêu dùng ngay và 1,5 tỷ quả cho chế biến nhưng năng lực sản xuất của nước bạn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam - cho biết, với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ dừa lớn trên thế giới. Việc xuất khẩu dừa sang Trung Quốc khá thuận lợi bởi đây là thị trường có khoảng cách địa lý rất gần, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 200.000 ha dừa, sản lượng 2 triệu tấn/năm; 1/3 diện tích đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Trái dừa xiêm Bến Tre đã được cấp chỉ dẫn địa lý, với 133 mã số vùng trồng và hơn 8.300 ha phục vụ xuất khẩu. Dừa là một trong 6 loại cây được đưa vào đề án và phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại nhiều tỉnh, thành.

Với hơn 600 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo lợi thế lớn cho ngành xuất khẩu, Việt Nam hiện xếp thứ tư về xuất khẩu sản phẩm dừa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 5 trên thế giới. Dừa Việt Nam còn được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Hàn Quốc.

Ngoài thị trường Trung Quốc, dừa Việt Nam còn được ưa chuộng tại các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada và Hàn Quốc nhờ chất lượng cao và hương vị đặc trưng. Với sự hỗ trợ của công nghệ bảo quản tiên tiến và các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, dừa Việt Nam có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

xuat-khau-dua-3-1739861331.jpg
Việt Nam hiện là nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, với hơn 20% thị phần tại nước này. (Ảnh minh họa)

Việc xuất khẩu dừa của Việt Nam lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD không chỉ khẳng định vị thế của ngành dừa trên thị trường quốc tế mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do và phát triển bền vững các vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ giúp ngành dừa Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Dù khẳng định vị thế xuất khẩu, tuy nhiên, ngành chế biến loại quả này đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu. Nhiều nhà máy tại Bến Tre được đầu tư, nguồn cung dừa vẫn không đủ. Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, giá dừa từng xuống thấp kỷ lục 1.000 đồng một quả, khiến nông dân e ngại mở rộng diện tích, doanh nghiệp chế biến hoạt động cầm chừng.

Liên quan đến ngành dừa, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết nhiều đơn hàng dừa tươi không thể xuất khẩu đúng hạn do thiếu mã đóng gói, vùng nguyên liệu không ổn định từ quý III và IV/2024 đến nay. Giá nguyên liệu leo thang khi Thái Lan, Ấn Độ và Trung Đông tăng nhập khẩu, các nhà máy trong nước khó cạnh tranh thu mua. Bên cạnh đó, các nhà máy sơ chế của Trung Quốc mở rộng hoạt động, đẩy giá dừa lên cao. Nông dân hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn.

Ông Khoa đề nghị nhà chức trách trao đổi với phía Trung Quốc để họ cấp thêm mã vùng trồng cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách thuế hợp lý để ngành dừa có thêm sức cạnh tranh./.