Làm giàu bền vững cho vùng ‘phên dậu phía Tây của Tổ quốc’

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, với những lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai thác triệt để, dư địa và cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ một Tây Nguyên xanh, hài hòa, bền vững là rất lớn.
1-1-16685991961401850145133-1668647973.jpg
Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông

Bốn tiềm năng nổi trội

Được mệnh danh là "nóc nhà của Đông Dương", các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng và đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, phát huy những thế mạnh của vùng cho phát triển nhanh và bền vững.

Quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số địa phương đã bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội của vùng còn một số hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chia sẻ, nếu những hạn chế, bất cập này được khắc phục, kết hợp với khai thác hiệu quả hơn tiềm năng thì sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.

"Trước hết, Tây Nguyên có khí hậu, thổ những đặc biệt với đất đỏ bazan. Vùng cũng đã có những bước tiến những vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như vùng có nông sản, hoa quả đặc trưng, nhưng chưa hình thành ở quy mô lớn, chưa xây dựng được thương hiệu, giá trị gia tăng cao", Thứ trưởng nhận định.

Theo ông Trần Duy Đông, vùng đất "phên dậu phía Tây của Tổ quốc" tràn đầy tiềm năng lợi thế thu hút nhà đầu tư về nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó có thể xây dựng và khẳng định thương hiệu quốc tế.

Tiềm năng thứ hai là phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Các nhà khoa học đánh giá rất cao lợi thế của vùng về khả năng xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, không chỉ ở vùng núi, mà còn có thể đặt trên mặt nước tại một số hồ lớn.

Thứ ba, vùng Tây Nguyên, cụ thể là tỉnh Đắk Nông, có nguồn tài nguyên boxit quý báu, nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư sản xuất, chế biến nhôm công nghệ cao gắn với khai thác bền vững boxit, hài hòa với yếu tố môi trường.

Cùng với đó, với diện tích đất rộng lớn chưa được khai thác hết, phát triển dược liệu cũng là thế mạnh của vùng tốt. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cần tạo ra cơ chế, điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp có thể tính toán cụ thể, lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nhiều tiềm năng này của vùng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cũng theo Thứ trưởng, các nhà đầu tư nước ngoài ở đây chưa có nhiều như các vùng khác. Khi Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên được ban hành thì chủ yếu tập trung vào giữ vững ổn định an ninh chính trị biên giới. Đến thời điểm hiện nay, tình hình tương đối ổn định, nên phải tạo nhiều cơ chế hơn để nhà đầu tư.

"Đặc biệt, việc tổ chức hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng vào ngày 20/11 tới đây, cùng với các cơ chế, quy hoạch, giải pháp đúng định hướng, phù hợp sẽ giúp phát huy hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế trong tương lai", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Khơi thông 'huyết mạch'

Đánh giá giao thông là điểm nghẽn lớn của vùng, làm giảm sức thu hút đầu tư trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị quyết số 23-NQ/TW quy định rất rõ lộ trình tháo gỡ vướng mắc này thông qua 9 dự án giao thông. Tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT phải kiến nghị các biện pháp để huy động nguồn lực thực hiện 9 dự án này.

Thứ nhất, theo Nghị quyết, đến năm 2030 hoàn thành 5 tuyến cao tốc, gồm: Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Gia Nghĩa-Trơn Thạch; Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương. Mục tiêu là để kết nối với các cảng biển ở những vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và kết nối với thị trường Đông Nam bộ rộng lớn.

Trong 5 dự án này, một số tuyến đã xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Ví dụ như Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đầu tư hoàn toàn vốn ngân sách Nhà nước, cơ bản là vốn ngân sách Trung ương, một phần nhỏ là vốn địa phương. Dự án được chia làm 3 hợp phần. Hợp phần thứ nhất do tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Hợp phần thứ 2 do tỉnh Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư và hợp phần còn lại là đoạn nối ở giữa thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT. Ngoài ra, tuyến cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương sẽ thực hiện theo hình thức BOT.

"Với quyết tâm hiện thực hóa và sự nỗ lực triển khai của các cơ quan liên quan, tôi tin tưởng kế hoạch đặt tương đối khả thi và chúng ta có thể đặt được mục tiêu", Thứ trưởng Trần Duy Đông tin tưởng.

Ngoài ra, 3 cảng hàng không nằm trong 9 dự án cũng được Nghị quyết quy định rất rõ. Cảng hàng không Liên Khương, Pleiku và Buôn Ma Thuột sẽ được mở rộng, nâng cấp để thúc đẩy thu hút nhà đầu tư và du lịch.

Dự án cuối cùng là sử dụng khôi phục tuyến đường sắt Tháp Tràm-Đà Lạt để mở rộng du lịch với nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, bao gồm cả vốn ODA và huy động PPP.

Xác định rõ phương hướng phát triển 3 tiểu vùng

Đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, trung tâm để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững chính là bản quy hoạch vùng. Bộ đang triển khai quy hoạch vùng Tây Nguyên, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ các vùng và lợi thế của từng vùng, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan. Tính kết nối liên vùng cũng sẽ được thể hiện xuyên suốt trong quy hoạch vùng và quy hoạch của 5 tỉnh trực thuộc.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, 3 tiểu vùng được xác định rõ với đặc trưng và giải pháp thực hiện phát triển.

Thứ nhất, tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (gồm tỉnh Gia Lai, Kon Tum) tiếp tục phát triển công nghiệp. Theo đó, duy trì công nghiệp thủy điện hiện có và phát triển năng lượng tái tạo, dược liệu. Đồng thời, hình thành khu du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Không gian phát triển được kết nối thông qua hành làng Quốc lộ 14, 19, 24 kết nối với khu vực duyên hải miền Trung.

Thứ hai, tiểu vùng Trung Tây Nguyên chính là tỉnh Đắk Lắk, được xem là trọng tâm của vùng, tập trung về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biết là sản xuất, xuất khẩu cafe, các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa của vùng.

Trong đó, mục tiêu là biến Buôn Ma Thuột thành trung tâm café của thế giới. Không gian phát triển kinh tế của vùng này gắn với tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, dọc theo Quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa.

Riêng đối với Đắk Lắk, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, hôm qua (15/11), với 470/475 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nghị quyết gồm 8 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023 và được thực hiện trong 5 năm. Những cơ chế, chính sách đặc thù được kỳ vọng là "đòn bẩy" để đô thị này bứt phá.

Thứ ba, tiểu vùng Nam Tây Nguyên (gồm Lâm Đồng, Đắk Nông) tập trung phát triển ngành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Cùng với đó là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, chế biến nhôm gắn với nguồn tài nguyên boxit, alumin dồi dào. Không gian phát triển của tiểu vùng này gắn với vùng Đông Nam Bộ.

Ông Trần Duy Đông tin rằng, với các định hướng trên, cùng với hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, sẽ giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước.