Kết nối các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên vào hệ thống phân phối nước ngoài

Bộ Công Thương vừa phối hợp tổ chức Chương trình kết nối trực tiếp các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên vào hệ thống phân phối nước ngoài thông qua hệ thống Wallmart, Aeon và Central Retail.
ket-noi-kinh-doanh-1665279955.jpg
Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn phân phối nước ngoài và các đối tác trong Đề án nhằm hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Chương trình kết nối trực tiếp các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên vào hệ thống phân phối nước ngoài thông qua hệ thống Wallmart, Aeon và Central Retail.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, các Hội thảo và kết nối diễn ra trong chiều 3/10 và sáng 4/10/2022. Sau các buổi kết nối, các hãng phân phối đã đi khảo sát trực tiếp một số nhà cung cấp có cơ sở tại Lâm Đồng.

Trong nhiều năm qua, các Tập đoàn phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và thông qua Bộ Công Thương phát triển hợp tác với một số địa phương để không chỉ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam trong hệ thống của Tập đoàn ở nước ngoài, mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn là xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn phân phối nước ngoài và các đối tác trong Đề án nhằm hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ năng lực sản xuất, năng lực phát triển thị trường, đến các giải pháp tài chính để đủ khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn phân phối nước ngoài cũng như giữ vững sự ổn định của thị trường tiêu thụ và hệ thống cung ứng, trong bối cảnh đại dịch và bất ổn địa chính trị tiếp tục đe dọa gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm của hơn 100 đại diện doanh nghiệp của các tỉnh trong khu vực Tây nguyên. Các doanh nghiệp tham dự chương trình đã mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất của doanh nghiệp để giới thiệu đến các nhà phân phối.

Đại diện các hãng phân phối đã giới thiệu rất cụ thể về nhu cầu thu mua của hãng, đánh giá cao sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng và hy vọng sẽ tìm kiếm được thêm nhiều nhà cung cấp mới sau chương trình kết nối này.