Kỳ vọng quyết sách lớn cho nguồn nước quốc gia

Việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay là quyết sách lớn để giữ “mạch nguồn” của sự sống.
a1-1693648316.jpg
Việc khai thác quá mức khiến nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm. (Ảnh minh họa)

Bảo vệ tài sản quốc gia

Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của nước ta khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày); trong đó, nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày).

Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, tài nguyên nước ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Để bảo vệ “mạch nguồn sự sống”, những năm qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước, qua đó tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước.

Ngay từ khi có Luật Tài nguyên nước năm 1998, việc bảo vệ nước dưới đất đã được chú trọng. Đến năm 2012, sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được ban hành), Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền 61 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật. Ở cấp địa phương cũng đã ban hành 315 văn bản quy định chi tiết để triển khai.

a2-1693648596.jpg
Người dân vùng cao huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khoan giếng để tìm nước ngầm.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), với hệ thống pháp luật về tài nguyên nước cơ bản đồng bộ, công tác điều tra cơ bản, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước cho các ngành, bảo vệ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất, phòng chống tác hại do nước gây ra, tài chính về nước (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước), cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, quan hệ quốc tế về nước đã được triển khai có hiệu quả ở cả Trung ương và địa phương. Việc triển khai Luật Tài nguyên nước đã thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước quốc gia.

“Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế - xã hội, của các quốc gia thượng nguồn cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nước dần thực sự được coi nước là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế và xã hội”, ông Vĩnh khẳng định.

"Muốn bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn nước phải nghiên cứu quy hoạch lưu vực sông, tính toán cân bằng nước trên cả một vùng rộng lớn thì từ đó mới đề ra chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đúng đắn”.

(GS.TS Đào Xuân Học,

nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam)

Kỳ vọng quyết sách lớn

Mặc dù đã rất nhiều nỗ lực nhưng nước ta đang đối diện với nguy cơ mất an ninh nguồn nước nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm. Các vùng hiện đang khai thác nước dưới đất nhiều nhất là Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; đây là các vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc. Tính riêng TP. Hà Nội đang khai thác khoảng 1,3 triệu m3/ngày, TP. Hồ Chí Minh khoảng 600 ngàn m3/ngày.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cho rằng, trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung như: quy định về vật thể chứa nước, quy hoạch tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia…

a3-1693648690.jpg
Để có nước sinh hoạt người dân ở ở vùng cao huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định phải vượt quãng đường xa đi lấy nước suối.

“Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia chưa được quy định trong Luật; trong khi tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp”, ông Vĩnh cho biết

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, hiện nay, Luật cũng chưa có quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước, dẫn đến việc tính thiếu, thu không đủ dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước.

“Trong bối cảnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ bản do nhu cầu thị trường chi phối, hiệu quả tài nguyên nước là sự cân đối giữa cung và cầu về tài nguyên nước, tiết kiệm tài nguyên nước phụ thuộc vào công nghệ, còn tuần hoàn tài nguyên nước cũng phụ thuộc vào công nghệ và thị trường. Đây là vấn đề cần được lưu ý khi xây dựng, hoàn thiện dựa án Luật Tài nguyên nước sửa đổi”.

(PGS.TS Nguyễn Thế Chinh,

Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế môi trường)

Vì vậy, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP, trong đó thống nhất sửa đổi Luật Tài nguyên nước để phù hợp với tình hình mới. Sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ TN&MT đã khẩn trương phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án luật trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, ngày 20/06/2023, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.

a4-1693648761.jpg
Hố tử thần tại sân của gia đình anh Lương Văn Bình, bản Na Noong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Hiện Bộ TN&MT đang khẩn trương tổng hợp, làm rõ thêm những ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, của người dân, doanh nghiệp theo nhóm vấn đề. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước là một đạo luật ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội nên rất cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, của cơ quan soạn thảo để đẩy mạnh truyền thông chính sách, đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học để có những góp ý sâu sắc, trí tuệ và bao quát hơn nữa nhằm giải quyết thấu đáo những vấn đề còn đang vướng mắc trong thực tiễn quản lý.

Khánh Thi