Thông qua việc hạn chế khai thác nước dưới đất, thúc đẩy phát triển các dự án tái sử dụng nước thải an toàn cho môi trường; đồng thời bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất, sự hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (nếu có) trong trường hợp bị thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.
Qua đó, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế khai thác được áp dụng cụ thể đối với từng vùng, từng khu vực hạn chế và thứ tự thực hiện đối với từng đối tượng, trường hợp theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất; ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai; thực hiện theo phương án, lộ trình phù hợp được phê duyệt, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; thông báo tới các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất có công trình khai thác nước dưới đất thuộc vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất thuộc vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định; trên cơ sở phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất, tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng căn cứ phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, chỉ đạo các đơn vị cấp nước tổ chức thực hiện các phương án nhằm đảm bảo cung cấp nước cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép khai thác nước dưới đất trong phạm vi quản lý. UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, chỉ đạo việc thực hiện các phương án để đảm bảo cung cấp nước từ mạng lưới công trình nước sạch nông thôn cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép khai thác nước dưới đất trong phạm vi quản lý.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải đăng ký khai thác nước dưới đất về các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt.
Trước đó, UBND tỉnh đã có chỉ đạo liên quan đến quản lý hoạt động khai thác nước ngầm và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát tổ chức, cá nhân hành nghề khoan, khai thác nước dưới đất chưa có Giấy phép, Giấy phép đã hết hạn sử dụng, yêu cầu tiến hành làm thủ tục đăng ký cấp, gia hạn Giấy phép theo đúng quy định.
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt danh mục, bản đồ khoanh vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn. Điều tra, khảo sát, đánh giá nước dưới đất phục vụ khoanh vùng có nguy cơ sụt lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất; Khảo sát, đo đạc nước dưới đất phục vụ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với khu vực có mực nước dưới đất suy giảm liên tục và có nguy cơ hạ thấp quá mức.